Tại phiên xét xử mới nhất, những dấu hiệu này tiếp tục được đặt ra, các nhân chứng vẫn kiên định những lời khai của mình tại tòa là chính xác. Và dù có rất nhiều tình tiết được làm sáng tỏ “rõ như ban ngày” nhưng đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng và HĐXX TAND quận Hai Bà Trưng vẫn buộc tội Hồ Thanh Sơn cướp tài sản và tuyên phạt 2 năm tù giam.
Những tình tiết “rõ như ban ngày” nhưng không được xem xét
Nhân chứng Nguyễn Thị Hồng, chủ quán cafe khai rõ ràng: Ông Hợp (người bị hại) là khách quen của quán, đến từ khoảng 8-9h sáng. Gần trưa, ông này (tức bị cáo - PV) mới đến, tôi có nghe tiếng quát tháo đòi nợ, tôi ngó lên tầng hai nhưng không thấy có vấn đề gì, tôi lại đi xuống. Chủ tọa phiên tòa đọc lời khai của nhân chứng Ngọc Anh (làm phục vụ tại quán cafe): “Tôi thấy mấy anh trẻ hơn bảo ông béo béo, lùn lùn (tức ông Hợp) “thôi chú về đi, chuẩn bị tiền trả cho cháu” nhưng ông béo lùn không về”.
Nhân chứng Nguyễn Tuấn Hưng khai: “12h30 tôi lên quán, thấy ông Sơn chửi và đe dọa ông Hợp, không có tiền thì đừng có ra khỏi quán”. Ngay lập tức lời khai này bị bà Hồng phủ nhận. Bà bức xúc: “Ông này nói điêu. Khi ông đến quán thì ông Sơn đã ra khỏi quán rồi”. Các luật sư cũng đưa ra các chứng cứ cho thấy bị cáo Hồ Thanh Sơn đã rời khỏi quán cafe sau thời điểm 12h30 và được ông Hợp gọi lại.
Những chứng cứ này được VKSND quận Hai Bà Trưng xác nhận trong Văn bản số 126/VKS-HS ngày 19/4/2016 như sau: “Căn cứ theo kết quả trả lời của Trung tâm thông tin di động Vietnammobile, trong ngày 21/10/2014 (ngày xảy ra vụ án) có 3 cuộc gọi từ số 09222...46 (số điện thoại của bị hại) đến số 094...88 (số điện thoại của bị cáo) vào các thời điểm 12h47; 12h48 và 13h43, không thể hiện được nội dung cuộc gọi nên không xác định được mục đích cuộc gọi là gì”. Văn bản này do Phó Viện trưởng Trịnh Thị Bích Khuyên, đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Hồ Thanh Sơn ký.
Tuy nhiên, dường như bà Khuyên đã quên những gì mình đã ký, khi vẫn một mực buộc tội: “Sau khi bị cáo cướp được số tiền 4 triệu đồng đã quay đi quay lại quán cafe để đe dọa, đòi trả hết nợ và diễn tiến việc đe dọa, chửi mắng được thực hiện liên tục từ lúc 11h”.
Trong khi thực tế, bị cáo Sơn quay lại quán cafe theo yêu cầu của ông Hợp (chứng cứ chính là 2 cuộc gọi nhỡ và một cuộc gọi thành công được xác nhận từ Vietnammoblie) để làm chứng cho việc ông Hợp trả nợ. Và bị cáo Sơn bị bắt quả tang về tội cướp tài sản chỉ sau 20 phút quay trở lại quán cafe.
Cũng trong Văn bản 126/VKS-HS ngày 19/4/2016, Phó Viện trưởng Viện VKSND quận Hai Bà Trưng khẳng định “Tài liệu điều tra căn cứ theo lời khai ban đầu của người bị hại và người làm chứng không có ngắt quãng về mặt thời gian, hành vi phạm tội của đối tượng Sơn vẫn tiếp diễn cho đến khi cơ quan công an có mặt nên việc bắt người phạm tội quả tang là có căn cứ”... Vậy thì cuộc điện thoại từ ông Hợp gọi đến số của bị cáo nên hiểu như thế nào cho hợp lẽ với diễn biến vụ án?
“Việc các anh Đạt, Hảo và Trung ở lại cơ quan điều tra là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc” là câu trả lời của Phó Viện trưởng Khuyên cho câu hỏi của TAND quận Hai Bà Trưng yêu cầu làm rõ về việc các nhân chứng khai đã bị cơ quan công an bắt gần 2 ngày, tạm giữ không có lệnh và còng tay. Một câu trả lời có lẽ không thể được chấp nhận đối với vị trí của một vị kiểm sát viên, nhân danh công tố viên bảo vệ pháp luật.
Tuy nhiên, tất cả những bằng chứng và tình tiết rõ ràng này đã bị HĐXX TAND quận Hai Bà Trưng bác bỏ hoàn toàn. HĐXX cho rằng: “Xét thấy các lời khai ban đầu là khách quan và giống nhau, phù hợp với lời khai của bị hại nên có cơ sở để kết luận bị cáo Hồ Thanh Sơn phạm tội cướp tài sản”.
Tan nát một gia đình...
Bà Nguyễn Thị Vinh, đã ngoài 70 tuổi, mẹ của bị cáo Sơn lặng lẽ theo dõi phần xét xử con mình ở hàng ghế cuối cùng. Bà cho biết, con bà bị bắt tạm giam từ tháng 10/2014, lần đầu tiên gặp lại đứa con trai của bà sau 8 tháng tạm giam mà bà giật mình, không thể nhận ra con.
“Nó già như ông lão 70 cô ạ. Trước đây nó cao to, phong độ lắm, thế mà…”. Nước mắt lưng tròng, bà kể, trước khi xảy ra chuyện, con trai bà vẫn thường luân phiên vào bệnh viện trông em gái (mới mổ tim) thay cho em rể. Đột nhiên 3-4 ngày liên tục không thấy anh trai vào, người em gái lên tiếng hỏi thì ai ai cũng lúng túng, giấu diếm. Hết lý do nọ đến lý do kia được mang ra để giấu bệnh nhân, cho đến khi người em gái vô tình biết chuyện cũng là lúc đứa em gái quá sốc và rồi “nó qua đời khi không được gặp mặt anh”.
Câu chuyện thương tâm khiến phóng viên không biết làm cách nào để động viên bà cụ, bởi có lẽ mọi lời nói lúc này đều vô nghĩa. Con trai bị bắt giam, con gái qua đời, có lẽ bà Vinh may mắn lắm mới giữ lại được mạng sống cho mình, vì bà cũng bị huyết áp cao. “Chưa hết đâu cô ạ” - bà Vinh nghẹn ngào kể tiếp: “Đứa cháu nội vốn rất học giỏi của tôi đã bị bệnh trầm cảm sau khi bố nó xảy ra chuyện. Rồi gia đình một đứa con gái khác cũng lục đục vì nó suốt ngày chạy vạy lo cho anh trai đang ở trong tù, lo cho gia đình đứa em gái mới mất. Tôi không biết có thể chịu đựng những ngày tháng đau khổ này đến bao giờ nữa. Liệu tôi có thể chờ đến ngày con trai mình được minh oan không cô”?
Những câu hỏi của bà hiện chưa thể có câu trả lời. Con trai bà bị tuyên án 2 năm, tức là chỉ còn 4 tháng nữa là hết thời hạn phải thi hành án. Chị Hà, em gái bị cáo Sơn lo lắng “Anh tôi liên tục yêu cầu tôi gọi điện để anh được gặp em gái. Tôi phải nói dối em vừa tiêm thuốc trợ tim nên ngủ, không thể nói chuyện được. Tôi không thể lường được nếu anh tôi biết tin đứa em gái mà anh yêu quý, chiều chuộng nhất đã quá sốc mà mất sau khi biết tin anh bị bắt, anh sẽ như thế nào”...
Những bước chân lặng lẽ rời khỏi phòng xét xử. Sự thật về cái chết của người em gái sẽ không thể giấu kín mãi được, rồi bị cáo cũng sẽ biết. Nhưng những tình tiết, dấu hiệu oan sai của vụ án và sự vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra liệu có thể được làm sáng tỏ sau khi bị cáo làm đơn kháng cáo?