“Con đường” tất yếu

(PLVN) - Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra các thể chế số.
Hình ảnh minh họa.

Tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu: “Chúng ta vừa mở đầu cho một giai đoạn mới, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, trong đó đã xác định việc rất quan trọng là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”.

Thời 4.0, mỗi người dân đã từng làm quen với các khái niệm “Chính phủ điện tử”, “thành phố thông minh”, “thương mại điện tử”, “kinh tế Internet”... bây giờ là lúc làm quen với “Chính phủ số”, “kinh tế số”, “xã hội số”. Cách mạng công nghệ lần thứ tư (gọi tắt là 4.0) đã và đang tạo ra năng lượng không giới hạn. Chuyển đổi số là nhu cầu, đòi hỏi khách quan đối với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đại dịch COVID-19 dù là “thảm họa toàn cầu” nhưng chính nó tạo ra “cú huých” mạnh mẽ cho chuyển đổi số.COVID-19 phá vỡ chuỗi giá trị này, tạo tiền đề cho sự hình thành chuỗi giá trị mới. Thời gian qua, người dân đã được chứng kiến những phiên họp, kỳ họp quan trọng của quốc gia từ Quốc hội đến Chính phủ (kể cả quốc tế) đã và đang diễn ra trực tuyến và ứng dụng công nghệ số... Trong quản trị quốc gia, chúng ta đang đi từ “nhỏ lẻ” đến “tổng thể”.

Nếu ứng dụng công nghệ thông tin là số hóa các chức năng cũ của tổ chức, tức là số hóa theo chiều dọc, nó không đòi hỏi phải thay đổi nhiều về các quy trình hoặc vận hành của tổ chức thì chuyển đổi số là số hóa theo chiều ngang, là số hóa toàn bộ tổ chức và tiếp theo là thay đổi quy trình, cách vận hành của tổ chức.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra các thể chế số.

Đối với các mô hình mới chưa có quy định thì cho phép thử nghiệm có kiểm soát và để đẩy nhanh việc cho phép này thì Chính phủ sẽ ban hành một khung thể chế về việc làm thí điểm. Chính phủ cũng phải đi đầu về chuyển đổi số chính hoạt động của mình. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho chuyển đổi số thì sẽ tạo ra thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số, nền tảng của chuyển đổi số. Đó sẽ là những “cú huých” cho chuyển đổi số thành công tại Việt Nam.

Nhằm đi những bước đầu tiên, giữa tháng 6/2021, Chính phủ có Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; Phát triển dữ liệu số quốc gia; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

“Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số” còn dài nhưng đó là con đường tất yếu.

Đọc thêm