Cuộc chiến pháp lý về bản quyền thương hiệu giữa anh và Công ty Cổ phần Vinacafe (trụ sở KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai), một “ông lớn” trong ngành cafe ở Việt Nam, là điển hình cho sự thượng tôn pháp luật.
Loại café chỉ bán rong
Chàng trai này tốt nghiệp đại học chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng nhưng ra trường từng không thể tìm được việc làm, chấp nhận làm nhân viên văn phòng. Cũng từ đó, ý tưởng khởi nghiệp xuất hiện.
“Là nhân viên văn phòng, tôi uống khá nhiều cafe nhưng nếu mua ở các quán lớn, thương hiệu nổi tiếng thì quá đắt. Còn uống cafe vỉa hè, lề đường thì không phải cafe thật mà đa số là cafe bẩn, pha hóa chất. Tôi nhận thấy, nếu bán cafe sạch vẫn mang lại lợi nhuận tốt”, anh Nghĩa kể.
Tại sao lựa chọn cafe lưu động mà không phải một cửa hàng để khởi nghiệp? Anh giải thích cafe lưu động rất cơ động, thuận lợi, chi phí thấp hơn mở tiệm. Hơn nữa anh hướng đến khách hàng là nhân viên văn phòng, người lái xe, đối tượng ít thời gian vào quán hoặc không cố định một chỗ. Cafe lưu động sẽ giải quyết vấn đề này. Người uống chỉ cần gọi điện, nhân viên chạy xe đến, muốn loại nào pha chế ngay tại chỗ.
Không ngờ ý tưởng đó đã đưa anh vào cuộc chiến pháp lý với một “ông lớn” về cafe – một cuộc chiến tưởng như “con kiến kiện củ khoai”. Khoảng tháng 9/2012, anh bắt đầu công việc với tên gọi, hình ảnh nhãn hiệu. Trong email gửi người bạn nhờ thiết kế lô gô, ban đầu tên thương hiệu của anh là “PHIN café”. Anh gửi nhiều hình ảnh phin pha cafe để người bạn này vẽ ra lô gô, nhãn hiệu. Người bạn gửi hàng loạt mẫu vẽ để lựa chọn và anh ưng ý nhất với lô gô như hiện nay.
Anh nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) xin cấp bản quyền thương hiệu. Vì chữ “PHIN” là một từ có ý nghĩa mô tả, không phải tên riêng, cơ quan này hướng dẫn anh sửa lại cho phù hợp. Chỉ sửa chữ “PHIN”, còn lô gô, thương hiệu giữ nguyên.
Hình ảnh và tên PHINN café được anh Nghĩa đăng ký bản quyền tại Cục SHTT |
Với mong muốn giữ nguyên ý tưởng ban đầu, anh quyết định thêm 1 chữ “N”, biến chữ “PHIN” thành “PHINN” và được chấp nhận. Nghĩa nộp đơn xin bản quyền lại vào tháng 3/2013. Theo quy định, trong tháng đầu nộp đơn, Cục SHTT sẽ xem xét, công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng xem có ai khiếu nại, khiếu kiện gì về tên, lô gô thương hiệu đó hay không. Không hiểu tại sao, vào tháng 4/2013, sau khi anh có đơn đăng ký 1 tháng, Vinacafe cũng nộp đơn đăng ký với tên “Cafe đen hòa tan có đường – PHINN café uống liền”.
Anh Nghĩa cho biết chưa hề tiết lộ ý tưởng cho bất cứ nhân viên hay người nào thuộc Vinacafe. Anh suy đoán, có thể ai đó thuộc Vinacafe đã nhìn thấy những chiếc xe cafe lưu động mang tên, lô gô “PHINN café” của anh trên đường phố và nảy sinh ý định đăng ký “hớt tay trên”. Cục SHTT sau đó đã từ chối cấp bản quyền thương hiệu cho Vinacafe vì trùng lắp ý tưởng và có đơn xin cấp sau anh Nghĩa.
Anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa (bên trái) |
Tự học luật để bảo vệ mình
Về phía Vinacafe, công ty này cho rằng đã có ý tưởng về thương hiệu “PHIL cafe” từ năm 2003. Vinacafe cho rằng từ “PHINN” của anh Nghĩa và từ “PHIL” có phát âm gần giống nhau nên yêu cầu Cục SHTT không cấp bản quyền thương hiệu cho người bán rong.
Với một người học về mỹ thuật, chưa từng va chạm pháp luật, nhất là lĩnh vực bản quyền rắc rối, anh Nghĩa kể lại: “Ý tưởng khởi nghiệp dường như bị dập tắt. Tôi bế tắc, không biết phải làm sao. Một cá nhân như tôi làm sao có thể thắng được ông lớn về cafe như Vinacafe trong cuộc chiến giành bản quyền thương hiệu. Họ có kinh nghiệm, có đội ngũ chuyên nghiệp, am hiểu pháp luật”.
Một số bạn bè, người thân khuyên anh bỏ cuộc, chọn con đường khởi nghiệp khác. Nhưng anh không chấp nhận thất bại, nhất là việc tự dưng ý tưởng của mình lại bị người khác lợi dụng, thu lợi. Anh tìm đến nhiều văn phòng luật sư nghe tư vấn, giải đáp. “Nhiều luật sư xem hồ sơ, nói chắc rằng tôi sẽ thắng, có điều sẽ mất nhiều thời gian”, anh Nghĩa hồi ức.
Chàng trai tự tìm hiểu, trang bị kiến thức luật. Anh kể lại: “Từ chỗ không biết gì về luật, đến nay tôi có thể tự hào rằng nắm khá rõ luật sở hữu trí tuệ. Từ việc đăng ký đến việc được cấp chứng nhận đều có trình tự rõ ràng. Cái khúc mắc mà Vinacafe dựa vào là luật sở hữu trí tuệ, bản quyền thương hiệu không nêu rõ thời gian khiếu nại bao lâu sẽ bị bác bỏ, phải xử lý, hoặc mỗi bên tranh chấp được phép khiếu nại bao nhiêu lần. Vì thế, vụ tranh chấp mới kéo dài gần 5 năm qua”.
Mãi đến ngày 29/5/2017, sau gần 5 năm hình thành ý tưởng, có đơn xin, anh mới chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “PHINN café – Gu cà phê Việt và hình phin cà phê”, hiệu lực 10 năm. Tính đến nay, anh có 40 xe “PHINN café” lưu động. Mỗi ngày cung cấp khoảng 1.000 ly cafe giá từ 13.000 – 17.000 đồng/ly.
Chàng trai tiếc nuối: “Trong 5 năm qua, chính vì sự cản trở của Vinacafe đã khiến tôi mất nhiều cơ hội phát triển thương hiệu PHINN café. Một tập đoàn Singapore từng định đầu tư nhưng khi biết chuyện, đã rút lại kế hoạch”. Chia sẻ với những người đang có ý tưởng khởi nghiệp, anh nói: “Khi hình thành ý tưởng hãy đăng ký ngay bản quyền thương hiệu. Bởi những ý tưởng hay sẽ có thể dễ dàng bị “đánh cắp” một cách công khai”.
Từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2017, dù “PHINN café” của anh Nghĩa được cấp bản quyền thương hiệu nhưng Vinacafe bị cho là vẫn tiếp tục vi phạm bản quyền. Anh Nghĩa cầu cứu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ). Cơ quan này sau đó có kết luận nêu rõ: Nhãn hiệu “Café PHINN” và “hình” gắn trên hộp và gói sản phầm cà phê đen hòa tan của Vinacafe Biên Hòa là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11, Nghị định 105/2006/NĐ-CP) với nhãn hiệu đã được bảo hộ của anh Nghĩa.