Còn nhiều trẻ em chưa tìm được tổ ấm thay thế

(PLO) - Qua số liệu giai đoạn 2011 – 2015, cả nước mới giải quyết được 514 trẻ em ở cơ sở trợ giúp xã hội được cho làm con nuôi trong nước và 1.323 trẻ em ở cơ sở trợ giúp xã hội làm con nuôi nước ngoài. Có nghĩa là, số lượng trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và nước ngoài chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ gần 13% (1.837/14.539) tổng số trẻ em được cho làm con nuôi.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, gần 22 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện đang sống tại cơ sở trợ giúp xã hội. Đáng chú ý, thống kê tại 33 tỉnh, thành phố đã có tới 3.269 trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi đang sinh sống ở các cơ sở tôn giáo, cơ sở nuôi dưỡng tư nhân chưa tìm được gia đình thay thế. 

Nhìn nhận tồn tại này, Bộ Tư pháp đánh giá, nguồn gốc trẻ em được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở tôn giáo rất phức tạp. Đa phần trẻ em được tiếp nhận đều là trẻ em bị bỏ rơi, không xác định rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kèm theo hoặc do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đẻ tự nguyện đưa trẻ vào nhà chùa mà không thông báo cho chính quyền địa phương. Đây là thực tế khiến địa phương khá vất vả trong việc đăng ký khai sinh, cấp sổ hộ khẩu cho trẻ.

Thực tế đã có 212 trường hợp được giải quyết cho trẻ em làm con nuôi của cơ sở tôn giáo hoặc người đứng đầu cơ sở tôn giáo, chiếm gần 6,5% tổng số trẻ đang sinh sống tại các cơ sở tôn giáo. Có điều, việc giải quyết nuôi con nuôi đối với cơ sở tôn giáo hoặc người đứng đầu cơ sở tôn giáo không bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em. Nhà chùa không phải là môi trường gia đình, việc nuôi dưỡng trẻ trong nhà chùa không đạt được mục đích là xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, đảm bảo con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Hơn nữa, việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bị phụ thuộc nhu cầu, ý chí chủ quan và nhận thức của người đứng đầu cơ sở tôn giáo hoặc của cơ sở tư nhân về việc cho nhận con nuôi và phụ thuộc vào ý chí của cơ quan có thẩm quyền quyết định cơ sở trợ giúp xã hội có đủ điều kiện tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi hay không. Điều đó đã làm hạn chế cơ hội cho trẻ em tìm được mái ấm thay thế ở trong nước cũng như ở nước ngoài.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc:
Sau gần 6 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và gần 5 năm thi hành Công ước La Hay, công tác nuôi con nuôi đã được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, việc thực thi chế định nuôi con nuôi ở Việt Nam vẫn không thể tránh được những tồn tại, bất cập, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề nuôi con nuôi của Việt Nam là rất lớn.
Điều này đặt ra Việt Nam cần thiết phải có đánh giá toàn  diện thực trạng công tác giải quyết nuôi con nuôi thời gian qua, những kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, tìm ra nguyên nhân để đưa ra  giải pháp khả thi để nâng cao, chất lượng hiệu quả công tác giải quyết nuôi con nuôi. 

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn:

 

Tinh thần của Luật Nuôi con nuôi là mọi trẻ em phải được ưu tiên chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, trường hợp đặc biệt mới chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội. Việc giải quyết nuôi con nuôi cũng vậy, ưu tiên tìm gia đình thay thế trong nước rồi mới tìm gia đình thay thế nước ngoài. Thời gian qua, Bộ chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng để chăm sóc trẻ em, chỉ định một số cơ sở công lập được tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, đảm bảo thủ tục chặt chẽ, minh bạch, công khai, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều vướng mắc, nếu vướng về thể chế thì phải hoàn thiện thể chế. Còn nếu vướng về công tác phối hợp, chúng tôi mong muốn sẽ cùng tháo gỡ và sẵn sàng sát cánh trong việc đảm bảo chăm sóc các đối tượng yếu thế.

Trưởng đại diện Văn phòng Con nuôi nước ngoài THD (Canada) tại Việt Nam Trần Thị Bích Thủy: Trình tự, thủ tục giải quyết nuôi con nuôi quốc tế đối với trẻ em khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo đã được rút gọn và thực hiện nhanh chóng tại Cục Con nuôi và Sở Tư pháp các tỉnh, thành. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đối với rất nhiều trường hợp, thủ tục xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi do Công an cấp tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Nuôi con nuôi mất nhiều thời gian hơn so với quy định của Luật. Trên cơ sở đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, linh hoạt, mềm mỏng hơn trong việc giải quyết các thủ tục đặc biệt cho những trẻ em cần sự chăm sóc đặc biệt.

Đọc thêm