Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh chia sẻ: Trong 2 năm (2015 - 2016), nhiều luật mới về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cùng với đó, các nghị định hướng dẫn 3 Luật trên cũng được nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành.
Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tác động rất lớn đến quá trình THPL nên công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới về xây dựng là hết sức quan trọng từ cấp Trung ương đến địa phương trong cả nước. Vì vậy, hàng năm lãnh đạo Bộ Xây dựng đều ban hành Kế hoạch kiểm tra theo dõi THPL và XLVPHC của Bộ.
Bên cạnh kết quả đạt được trong chỉ đạo triển khai thi hành Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết như trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Nguyễn Duy Thắng báo cáo thêm với Đoàn kiểm tra một số kết quả khác. Ngoài ra, quá trình thi hành pháp luật về XLVPHC của Bộ Xây dựng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật, trong tổ chức thực hiện.
Đáng chú ý là Luật Xây dựng năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 song việc không quy định ngừng cấp điện, cấp nước đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã gây nhiều bất cập trong thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm trật tự xây dựng của địa phương...
Các thành viên trong Đoàn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra về một số vụ việc vi phạm cụ thể mà dư luận quan tâm, xử lý đối tượng vi phạm sao cho đảm bảo tính răn đe chứ không phải vi phạm xong lại được hưởng lợi... Trả lời các vấn đề mà Đoàn quan tâm, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Dương Thành Phố khẳng định, Thanh tra Bộ không tiến hành chồng chéo các cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng thực tế có sự chồng chéo về chức năng thanh tra giữa Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành, địa phương.
Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận các kết quả đạt được trong công tác THPL về XLVPHC của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vi phạm trật tự trong lĩnh vực xây dựng còn phổ biến, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa không chỉ từ phía Bộ quản lý mà còn cả ý thức của người dân và toàn xã hội.
Bởi thế, Thứ trưởng Ngọc đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là kiên quyết, nghiêm khắc xử lý vi phạm trật tự xây dựng...