Còn thiếu một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật

Hôm qua (16/11), tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu (ĐB) đã tập trung vào những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo từ lời nói đầu đến các chương, điều cụ thể, nhất là về cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Hôm qua (16/11), tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu (ĐB) đã tập trung vào những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo từ lời nói đầu đến các chương, điều cụ thể, nhất là về cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) khẳng định, Hiến pháp phải có cơ chế bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân. Thực tế, điều quan trọng là việc thể hiện quyền lực của nhân dân dù tốt đến đâu, nhưng việc thực hiện bảo vệ quyền đó như thế nào mới mang tính quyết định. Vẫn còn nhiều quyền của công dân trong Hiến pháp năm 1992 chưa được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời, không kể nhiều văn bản của các bộ, ngành, các cấp ở địa phương ban hành đã có nhiều vi phạm đến quyền cơ bản của nhân dân, không phù hợp với thực tiễn nhưng việc bãi bỏ các quy định là rất khó do quy trình bãi bỏ. Nên “dù việc áp dụng pháp luật chưa đúng nhưng công dân vẫn phải chấp hành. Vậy rõ ràng đang thiếu một cơ chế bảo đảm việc thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật trên thực tế”.

Nên ĐB Thoáng đề nghị phải bổ sung vào Hiến pháp quy định thành lập cơ quan bảo hiến bên cạnh cơ quan bảo vệ Hiến pháp hiện hành để có cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra ngay trong hoạt động cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, giải thích Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo những quy định của Hiến pháp được thực hiện một cách nghiêm túc vì “không có một cơ chế bảo hiến rõ ràng, cụ thể được xác định ngay trong Hiến pháp thì rất khó có thể đảm bảo rằng Hiến pháp sẽ được tôn trọng một cách tuyệt đối”.

Cũng quan tâm đến vấn đề tăng cường kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) nhận thấy: “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa triển khai mạnh mẽ nguyên lý quyền lực phải được kiểm soát, phải dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực như trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI”. Từ hoạt động thực tiễn, ngay cả Quốc hội vẫn còn thiếu những chỗ dựa, những công cụ cần thiết, hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát tối cao nên công tác giám sát chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra và chưa đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân. Để góp phần khắc phục bất cập này, ĐB Nhã đề nghị Hiến pháp cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát mà thực chất là kiểm soát quyền lực. “Đó là hệ thống cơ quan chuyên trách độc lập do Quốc hội lập ra, báo cáo công tác trước Quốc hội” – ĐB tỉnh Thừa thiên Huế nhấn mạnh.

Tán thành có một cơ chế bảo vệ Hiến pháp (Hội đồng Hiến pháp), để bảo đảm tính hợp hiến trong hệ thống pháp luật và áp dụng pháp luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) còn cho rằng “định chế Chủ tịch nước là một trong những định chế để có thể tham gia vào việc điều tiết cân bằng và kiểm soát giữa các quyền”. Do đó, ĐB này đề nghị thiết kế để Chủ tịch nước có một số quyền thể hiện được vai trò kiểm soát đó như quyền là bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ trái với Hiến pháp và pháp luật.

Trong khi đó, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đồng ý với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng trong tình hình hiện nay nhà nước chưa cần thiết phải thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập, mà tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước để đảm bảo hiệu quả hơn và đáp ứng yêu cầu của công tác này. ĐB Xuyền nhận thấy, thực tế chức năng này đã được giao cho các cơ quan như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và kể cả các cơ quan chính quyền địa phương nên “việc thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập là chưa cần thiết”.

Cùng ngày, cho ý kiến về Dự thảo nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ĐB đã tập trung vào nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân. Theo dự thảo, sẽ lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Việc lấy ý kiến dự kiến bắt đầu từ ngày 02/01/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013. 

Hương Giang