Sự việc được Thường trực BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi hồi cuối 2022. KLTT cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cán bộ xã, huyện và tỉnh để cho hàng trăm căn nhà xây trái phép suốt thời gian dài.
Năm 2016, sau khi có quyết định giới thiệu thực hiện dự án khu dân cư, một Cty đã thu mua, chuyển nhượng đất của người dân và một số đơn vị trên địa bàn. Tháng 5/2018, chưa có quyết định đồng ý chủ trương đầu tư và phê duyệt 1/500, Cty đã hợp đồng san lấp nền, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống điện và thoát nước, cây xanh, các dãy nhà phố, biệt thự.
Cuối tháng 5/2018, UBND xã đã phát hiện Cty trên đang san lấp mặt bằng 1,5ha, phần cốt nền tuyến đường trong dự án và lập nhiều lán trại bằng container, mái lá nên yêu cầu ngưng thi công. Tuy nhiên theo KLTT, thay vì lập biên bản vi phạm hành chính, xã chỉ làm văn bản báo sự việc lên Phòng TN&MT, Quản lý đô thị và Văn phòng UBND huyện. Khi biết được thông tin, các phòng chức năng huyện không có động thái kiểm tra, xử lý hay báo cáo lãnh đạo về vấn đề này.
Một tuần sau, để hoàn thiện hồ sơ trình, tham mưu UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư dự án, Sở KH&ĐT phối hợp UBND huyện kiểm tra địa điểm lập dự án. Sau khi thị sát, đoàn công tác lập biên bản ghi nhận hiện trạng “chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng”, song sau đó được chỉnh sửa thành “đã phát quang mặt bằng”. Dòng chữ này cũng xuất hiện trong văn bản UBND huyện gửi Sở KH&ĐT góp ý chủ trương đầu tư dự án.
Lý giải với cơ quan thanh tra, Phó Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT (thành viên đoàn kiểm tra thời điểm đó) cho biết việc chỉnh sửa do các thành viên đoàn kiểm tra thống nhất; trong đó một chuyên viên Sở KH&ĐT là người trực tiếp chỉnh sửa từ “san lấp” thành “phát quang”.
Việc ghi nhận hiện trạng không đúng thực tế đã giúp hồ sơ nhanh chóng được UBND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án vào tháng 11/2018. Thực tế trước thời điểm này 5 tháng, DN đã cho san lấp và khởi công các dãy nhà phố, biệt thự trước cả khi quyết định đầu tư dự án được tỉnh thông qua.
Sau 1 năm từ thời điểm dự án được san lấp, tháng 4/2019, Phòng Quản lý đô thị kiểm tra, dự án đã xây 201 căn nhà liên kế vườn, 89 căn nhà liên kế và 198 căn biệt thự. Việc phát hiện vi phạm trên cũng không được lập biên bản, xử lý hành chính. Để rồi một năm sau (tháng 4/2020) khi huyện kiểm tra, chủ đầu tư cho san nền, xây dựng 60% hệ thống hạ tầng kỹ thuật, 488 căn nhà, biệt thự hoàn thiện, 192 căn nhà đang xây phần móng.
Sai phạm ở dự án chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu ngừng thi công khi Thanh tra Sở Xây dựng vào kiểm tra hồi tháng 8/2020. Ba tháng sau, Phòng TN&MT mới lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai. Lúc này dự án đã bán cho hơn 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỷ đồng, 7 hộ chuyển đến sống.
Quá trình thanh tra, còn phát hiện Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã ký chuyển nhượng sai luật cho Cty này 16.000m2 đất, trong đó có 12.000m2 đất trồng lúa; có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 174 BLHS.
Sai phạm này có thể được ví như “con voi chui lọt lỗ kim”. Tất cả đều nhìn thấy “con voi”, riêng với những người có thẩm quyền tại địa phương, lại “kiểm tra rồi để đó”. Sự việc chưa dừng lại, khi KLTT đã chỉ ra Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách lĩnh vực đất đai, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã, Trưởng phòng TN&MT, Quản lý đô thị... “thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra hàng loạt sai phạm liên quan dự án”, và UBND tỉnh đã chuyển hồ sơ vụ việc cho công an điều tra. Vấn đề đặt ra là cần phải xác định tính chất nguy hiểm của sự việc ở chỗ cán bộ thẩm quyền 3 cấp xã huyện tỉnh trong sự việc này đều đã thiếu trách nhiệm. Nếu TW không nhìn ra; BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực không đưa sự việc vào diện theo dõi; thì sự việc có được làm rõ trắng đen như vậy hay không? Đó là điều chúng ta cần suy ngẫm.