Bộ Công an trả lời:
Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về xử lý vật chứng như sau:
“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy…”.
Chất ma túy là những vật cấm lưu hành nên bị tịch thu và tiêu hủy.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy vật chứng là ma túy theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi Hội đồng tiêu hủy công bố quyết định tiêu hủy vật chứng, sẽ tiến hành mở niêm phong vật chứng, đối chứng với các số liệu có trong hồ sơ bản án, phân loại để lần lượt thực hiện tiêu hủy.
Việc tiêu hủy các chất ma túy được tiến hành dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều cơ quan (Cơ quan Cảnh sát điều tra; Viện kiểm sát nhân dân; Cơ quan Thi hành án dân sự; Cơ quan Quản lý vật chứng…) và thực hiện công khai, minh bạch cho người dân biết, nhiều cơ quan truyền thông cũng đến đưa tin; đồng thời, được tính toán hợp lý để không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.