'Công nghệ' làm giả hồ sơ sổ đỏ tại TP HCM

(PLVN) - Sau khi đăng tải bài viết “Đường dây làm giả giấy tờ sổ đỏ nhiều năm được bao che”, Pháp luật Việt Nam nhận được rất nhiều ý kiến thắc mắc của bạn đọc. Phần lớn đều nêu ra băn khoăn: “Quy trình cấp sổ đỏ đất được thừa kế trải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan chức năng và cán bộ kiểm tra, chứng nhận, niêm yết công khai, tại sao lại có thể làm giả?”. Pháp luật Việt Nam xin thuật lại quy trình làm việc của đường dây làm giả hồ sơ sổ đỏ trên. 
Căn nhà thờ có từ trước 1975 nhưng bản đồ đo vẽ lại ghi “đất thổ cư”, “đất xin xây dựng, tường tole”.
Căn nhà thờ có từ trước 1975 nhưng bản đồ đo vẽ lại ghi “đất thổ cư”, “đất xin xây dựng, tường tole”.

“Bản vẽ hiện trạng” nhiều nghi vấn

Nạn nhân trong vụ việc là ông Võ Thành An (sinh năm 1981, ngụ xã Tân Thạnh Đôn, huyện Củ Chi). Anh em ông An là các cháu nội, được thừa kế thế vị phần tài sản do bà nội (đã mất năm 2009) để lại, là phần đất gần 2.000 m2. Ông An cho hay, sau khi bà mất, người cô Võ Thị Nang (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) về quê buông lời “dụ dỗ” xin được cùng đứng tên thửa đất với nhiều lời hứa hẹn, nên ông cả tin gật đầu. 

Theo quy định, để được cấp sổ đỏ đất và nhà theo diện thừa kế gồm rất nhiều bước. Thứ nhất là khai nhận di sản thừa kế. Trong đó, cần có văn bản thoả thuận phân chia tài sản giữa các đồng thừa kế, tường trình quan hệ nhân thân, bản gốc các giấy tờ nhân thân các đồng thừa kế, của người để lại tài sản. 

Vào thời điểm 2011, hồ sơ khai nhận này có thể được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận, ra văn bản và niêm yết công khai trong vòng 45 ngày, sau đó mới chuyển lên cấp huyện. Nếu cấp sổ mới thì buộc phải đo vẽ hiện trạng nhà đất, cán bộ sẽ kiểm tra bản vẽ đúng hiện trạng thực tế hay không. 

Theo quy trình nêu trên, ngoài những chữ ký của người đồng thừa kế, cán bộ còn phải đến thực tế khu đất. Nhưng trong nghi án này, hàng loạt hồ sơ, giấy tờ đã bị “tự biên tự diễn”. Hành vi này có sự tiếp tay hoặc sự cẩu thả thiếu trách nhiệm của cán bộ địa chính xã, Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch xã Tân Thạnh Đông; cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi; Phòng Tài nguyên và Môi trường;  Công ty Tư vấn Xây dựng – Thương mại đo đạc và bản đồ Phú Gia Thịnh; Phó Chủ tịch huyện… Những sự gian dối, tiếp tay, cẩu thả thiếu trách nhiệm đó đã dễ dàng “hô biến” đất của người này thành của người khác.

Đầu tiên, theo ông An, sau khi nghe lời “dụ dỗ” của người cô Võ Thị Nang, ông An và bà Nang làm thủ tục hòa giải thành tại Ủy ban nhân dân xã ngày 1/10/2010, ông An cho bà Nang cùng đứng tên phần đất trên. Sau đó bà Nang làm giấy tờ gửi xã, huyện để được cấp sổ mới. 

Ngày 22/2/2011, huyện có văn bản chấp nhận việc phân chia tài sản thừa kế, tuy nhiên huyện yêu cầu muốn tách đất thành ba sổ, thì mỗi sổ phải có một diện tích 120m2 đất thổ cư.

Ngày 15/3/2011, xuất hiện cái gọi là “bản vẽ hiện trạng vị trí đất” do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất  huyện, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng – Thương mại đo đạc và bản đồ Phú Gia Thịnh thực hiện. Biên bản còn có chữ ký của bà Nang và ông An. Tuy nhiên ông An cho biết không tham dự buổi đo đạc này, chữ ký trong biên bản là giả chữ ký ông.

Nội dung biên bản cũng sai lệch, khi trên khu đất có bốn căn nhà nhưng bản vẽ lại không thể hiện căn nhà nào. Bản đồ này phía Phú Gia Thịnh do Phó Giám đốc Kỹ sư Nguyễn Sĩ Quỳnh ký; phía: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện do Giám đốc Võ Văn An ký.

“Tự biên tự diễn” giả biên bản, giả hàng loạt chữ ký

Kế hoạch gian dối để cấp sổ mới bất ngờ gặp trục trặc, khi phát sinh hai vấn đề. Thứ nhất là ông An thấy những điều bất thường nên nghĩ lại, đổi ý, không đồng tình cho người cô cùng đứng tên đất. Thứ hai là em gái ông An (bà Võ Thị Kim Chi), có đơn ngày 31/3/20111, đề nghị ngăn chặn việc cấp sổ mới.  

Trước các tình huống “trục trặc” trên, các đối tượng đã “đối phó” ra sao? 

Thứ nhất, bà Nang bị cho là đã làm đơn đề nghị chuyển đất lên thổ cư giả chữ ký ông An ngày 30/6/2011. Một cách “thần tốc”, ngay trong ngày 30/6/2011, Ủy ban nhân dân xã đã có tờ trình do Chủ tịch xã Đoàn Thanh Vân ký, gửi Ủy ban nhân dân huyện, cho rằng đủ điều kiện, đề nghị huyện cấp đổi sổ đỏ.

Thêm một loại giấy tờ thể hiện sự gian dối xuất hiện, đó là dù ngày 30/6/2011 người dân mới có đơn đề nghị chuyển đất lên thổ cư, nhưng trước đó hai ngày (ngày 28/6/2011), cơ quan chức năng đã có cái gọi là “biên bản kiểm tra hiện trạng khu đất bổ túc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất”.

Biên bản này có ghi chữ ký của ông Lê Thanh Trí (nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện), Lê Văn Luôn (cán bộ địa chính xã), bà Võ Thị Nang. Phần “thành phần tham dự” có tên ông An, nhưng không có chữ ký ông An. Về biên bản này, ông An tố cáo: “Họ đã làm khống biên bản chứ thực tế không có cuộc kiểm tra hiện trạng nào”. Thế nhưng Chủ tịch xã Đoàn Thanh Vân vẫn ký, đóng dấu cái gọi là “biên bản” này.

Một số giấy tờ mạo danh, sai sót trong sự việc
Một số giấy tờ mạo danh, sai sót trong sự việc

Vài ngày sau đó, lại có “đơn ghi nợ tiền sử dụng đất”, phần trình bày có tên bà Nang và ông An, nhưng phần chữ ký chỉ có chữ ký bà Nang, nội dung “gia đình chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất… nên xin được ghi nợ”. Ông An cho biết: “Tôi không làm đơn này, không biết đến đơn này”. Đơn sai sót như vậy, nhưng Chủ tịch xã vẫn xác nhận “là đúng, kính chuyển cấp trên xem xét giải quyết” vào ngày 5/7/2011.

Cũng ngay trong ngày 5/7/2011, hồ sơ xuất hiện tờ khai lệ phí trước bạ, trong đó ghi tên ông An, bà Nang, nhưng chỉ có bà Nang ký tên. 

Dù ông An không ký tên trong đơn trên, nhưng ngày 3/8/2011, Chi cục Thuế huyện vẫn ra thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà đất cho ông An với số tiền 565 ngàn đồng. Ông An cho biết: “Tôi không nhận được thông báo này mà ai đó đã nhận và nộp tiền luôn”. 

Thứ hai, để hóa giải chuyện bị cháu gái làm đơn ngăn chặn, hồ sơ xuất hiện văn bản từ chối nhận đất thừa kế của em gái ông An (bà Võ Thị Kim Chi) không ghi ngày tháng với nội dung “từ chối nhận tài sản thừa kế”. Dù bà Chi không làm văn bản này, không ký nhận, nhưng cán bộ Trần Nhật Tuyền vẫn ký nháy và Phó Chủ tịch xã Lê Thị Mai ngày 27/9/2011 vẫn đóng dấu, “chứng thực” bà Chi “đã đọc văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế, đồng ý tất cả các nội dung ghi trong văn bản, đã ký vào văn bản này trước sự có mặt của tôi”.

Lừa dưới, dối trên

Phần đất này ngoài anh em ông An, bà Chi, còn có ông Võ Thanh Tùng (sinh năm 1970, đã qua đời năm 2014) đồng thừa kế. Người anh này bị mắc bệnh tâm thần. Bộ hồ sơ đã “hóa giải” người này bằng cách làm “Giấy cam kết” giả chữ ký ông An ghi ngày 3/10/2011 với nội dung: “Tôi còn đứa em khờ không hiểu biết, hiện đang ở chung với tôi… Tôi có trách nhiệm lo cho em ruột tôi đang bệnh không còn trí nhớ ổn định”. Dù ông An không làm văn bản này, không ký nhận, nhưng cán bộ Trần Nhật Tuyền vẫn ký nháy và Phó Chủ tịch xã Lê Thị Mai vẫn đóng dấu, “chứng thực” ông An “đã ký, điểm chỉ trước mặt tôi”.

Xin nói rõ thêm, “Giấy cam kết” trên không chỉ giả chữ ký, mà sự gian dối còn lộ ra một cách sơ đẳng, vì ông An không có “người em khờ” nào. 

Hồ sơ xin nhận di sản thừa kế và cấp sổ đỏ theo quy định phải được niêm yết trong 45 ngày. Theo ông An, Hồ sơ trên có thể đã không được niêm yết.

Dù những “hồ sơ, giấy tờ” trong sự việc này gian dối như vậy, dù ông An bị giả chữ ký trong tất cả các văn bản, ngày 3/4/2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vẫn có Tờ trình số 1449/TTr-TNMT gửi Ủy ban nhân dân huyện, kết luận: “Việc ông An bà Nang xin chuyển mục đích sử dụng đất là nằm trong khu dân cư hiện hữu, phù hợp với quy hoạch chung… phù hợp với tinh thần của Thường trực Ủy ban nhân huyện… Phòng Tài nguyên và Môi trường đề nghị huyện cấp phép cho ông An, bà Nang được chuyển mục đích sử dụng đất”. Tờ trình này do Phó phòng Nguyễn Thanh Phong ký.

Hơn một tháng sau đó, Ủy ban nhân huyện Củ Chi cấp các sổ đỏ trong đó có sổ đỏ đối với diện tích 1486m2 đồng sở hữu ông An và bà Nang. Những sổ đỏ này do Phó Chủ tịch huyện Tô Từ Nguyên ký.

Trong tất cả quãng thời gian đó, người bị mạo danh là ông An hoàn toàn không hay biết gì. Mãi đến khi cán bộ địa chính xã gọi điện cho ông “lên lấy sổ đỏ mới”, ông mới ngã ngửa người bất ngờ.

Ông An tố cáo: “Quá trình chiếm đoạt đất của gia đình tôi hết sức tinh vi, có sự tiếp tay, sự vô trách nhiệm của nhiều cán bộ, nhiều đơn vị. Dù quy định pháp luật rất kín kẽ nhưng họ không thực hiện, không đi thực tế, mà toàn báo cáo láo, lừa dối. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy được phần chữ ký ghi tên bà Nang và tên tôi là y hệt nhau, nhưng cũng không ai đặt ra nghi vấn giả chữ ký. Họ làm việc quá gian dối, tắc trách”.

Những sự việc gian dối này đã bị Thanh tra huyện kết luận, nhưng vì sao đến nay có dấu hiệu “chìm xuồng”. Pháp luật Việt Nam tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.

Ngày 15/3/2011, Cty Phú Gia Thịnh được cho là “tiến hành đo vẽ hiện trạng khu đất… Căn cứ để đo là theo yêu cầu của anh An và bà Nang”.

Tuy nhiên ông An tố cáo : “Tôi chưa bao giờ hợp đồng hoặc yêu cầu bất cứ công ty nào đo vẽ các khu đất. Nhìn mắt thường cũng thấy trong bản vẽ của Phú Gia Thịnh, chữ ký của tôi bị ký giả. Phú Gia Thịnh cũng không hề xuống khu đất đo vẽ. Trên khu đất có bốn căn nhà, nhưng trên bản đồ đo vẽ không có. Thậm chí, Phú Gia Thịnh ghi bậy bạ nhà thờ thành “đất thổ cư, đất xin xây dựng, tường tole””.

Đọc thêm