Huyện Củ Chi (TP HCM): Đường dây làm giả giấy tờ sổ đỏ nhiều năm được bao che

(PLVN) - Cơ quan chức năng đã xác định trong vụ việc có hành vi giả chữ ký người có đất, cán bộ xã chứng thực “điêu”... Hậu quả của những sai phạm trên xâm phạm trật tự quản lý hành chính, xâm phạm quyền sở hữu, đất của người này lại được cấp sổ đỏ cho người khác mua bán nhiều lần… Thế nhưng có một điều lạ là mọi hậu quả nạn nhân gánh chịu, còn những đối tượng sai phạm đến nay vẫn vô can.
Anh An không ngờ thửa đất bà nội để lại cho gia đình mình có ngày bị mất vì chứng thực “điêu” và thói làm gian dối của một nhóm cán bộ.
Anh An không ngờ thửa đất bà nội để lại cho gia đình mình có ngày bị mất vì chứng thực “điêu” và thói làm gian dối của một nhóm cán bộ.

Trắng trợn ký giả hàng loạt chữ ký  

Trước khi chết, cụ Đoàn Thị Lầu (SN 1920, ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM), bà nội của nạn nhân trong vụ việc này là anh Võ Thành An (SN 1981), đã cẩn thận phân chia đất cho các con, trong đó bố anh An được mẹ giao cho giữ gìn phần đất gần 2000m2.

Năm 2009, cụ Lầu mất. Một năm sau đó, bố anh An cũng qua đời. Theo anh An, sau khi mẹ và anh trai chết, người cô Võ Thị Nang tới nhỏ to, rủ rỉ, xin đứng tên đồng sở hữu diện tích đất nêu trên. Tuy nhiên, em gái anh An là chị Võ Thị Kim Chi cho rằng theo quy định pháp luật, phần đất này bà nội đã chia cho bố, nay bố chết thì sẽ là tài sản thừa kế để lại cho các con, không có lý gì người cô lại đến “xin đứng tên chung”. Không đồng ý để người cô đứng tên đồng sở hữu nên ngày 31/3/2011 chị Chi có đơn gửi UBND huyện Củ Chi yêu cầu ngăn chặn việc cấp sổ đỏ.  

Anh An kể lại: “Ai ngờ không đạt được mục đích, bà Nang âm thầm làm giả chữ ký của tôi và em gái để làm hồ sơ giấy tờ chuyển tên sổ đỏ. Tới tháng 5/2012, bất ngờ bà Trần Nhật Tuyền là cán bộ xã gọi điện mời tôi lên nhận sổ đỏ đồng sở hữu phần đất 1.485m2 với bà Nang. Còn diện tích gần 500m2 khác được tách riêng ra đứng tên bà Nang. Cô tôi sau đó đã chuyển nhượng mảnh đất gần 500m2 này cho người khác”.

Từ chỗ có 2000m2 đất, nay 500m2 bị “cướp trắng trợn” như lời anh An nói, còn 1500m2 bỗng dưng phải đứng tên chung với cô, nguy cơ lại bị mất một nửa nữa, anh em anh An làm đơn khiếu nại, tố cáo khắp nơi, đồng thời thu thập hồ sơ giấy tờ, chứng cứ, phát giác đường dây cấu kết giả mạo chữ ký tinh vi.

Theo đó, trong hồ sơ đăng ký cấp sổ đỏ đồng sở hữu, có một đơn đề nghị đăng ký biến động về quyền sử dụng đất với phần đất 1.485 m2. Ở phần ký tên của anh An, ai đó đã ký tên thay anh bên cạnh chữ ký bà Nang.

Một văn bản khác giả chữ ký anh An là “Giấy cam kết” ghi tên anh An ghi lập ngày 3/10/2011, được UBND xã Tân Thạnh Đông chứng thực ngày 6/10/2010 với nội dung “anh An được thừa kế thế vị phần đất của bà Lầu để lại và anh An cam kết chăm lo cho người em ruột bị bệnh khờ không biết gì khi được nhận phần đất thừa kế 1.485 m2”. “Đã giả chữ ký, nội dung Giấy cam kết này càng sai, vì trong nhà tôi người bị bệnh khờ là anh trai, chứ không phải em trai tôi”, anh An trình bày.

Văn bản giả chữ ký thứ ba là “đơn từ chối nhận di sản thừa kế” của chị Chi (em trai anh An) có nội dung “từ chối nhận tài sản thừa kế bà Lầu để lại”. Văn bản này không ghi ngày tháng, được UBND xã Tân Thạnh Đông chứng thực ngày 27/9/2011.  

Dù không có mặt người dân, cán bộ xã và Phó Chủ tịch xã vẫn có “lời chứng” điêu.
Dù không có mặt người dân, cán bộ xã và Phó Chủ tịch xã vẫn có “lời chứng” điêu.

“Từ những tờ giấy giả chữ ký nêu trên, bà Nang đã hợp thức hoá được hồ sơ, hoá giải được đơn ngăn chặn trước đó của gia đình tôi, sau đó sang tên gần 500m2 cho bà Nang, và cùng đứng tên 1500m2 với gia đình tôi. Tôi rất ngạc nhiên không phải chỉ vì chuyện anh em tôi bị làm giả chữ ký, mà càng ngạc nhiên vì xem hồ sơ bằng mắt thường cũng thấy chữ ký giả tên tôi “y chang” nét chữ ký của bà Nang ngay bên cạnh. Nếu người kê khai đã gian dối, cán bộ xã tiếp tay, thì còn khâu cán bộ huyện “gác cửa”. Vậy mà họ vẫn chấp nhận một bộ hồ sơ gian dối trắng trợn như thế, rồi cấp sổ đỏ mới cho người khác, “cướp” đất gia đình tôi”, anh An tố cáo.

Dấu hiệu bao che sai phạm

Anh An sau đó có đơn khiếu nại, tố cáo việc làm giả giấy tờ, chữ ký của bà Nang; sự tiếp tay của bà Trần Nhật Tuyền, cán bộ xã; sự thiếu trách nhiệm của bà Lê Thị Mai (khi đó là Phó Chủ tịch UBND xã).

“Tôi tố cáo lên xã, lên huyện, nhưng họ không nhận đơn. Tôi phải gửi đơn lên TP, Trung ương. Khi cơ quan cấp trên có văn bản yêu cầu thụ lý thì xã mới thụ lý, nhưng giải quyết kiểu vòng vo, bao che sai phạm, thiếu trách nhiệm”, anh An nói.

Những tố cáo này của anh An có cơ sở, khi ngày 9/8/2016, UBND xã Tân Thạnh Đông ra kết luận giải thích sự việc một cách khá loanh quanh. Đại ý theo bản kết luận này thì bà Tuyền nhìn thấy anh An cùng một người khác đến UBND xã và sau đó anh An về trước. Người đi cùng thì ở lại, đưa cho bà Tuyền bản cam kết có chữ ký của anh An nên dù không thấy anh An ký, vị cán bộ xã này vẫn vào sổ chứng thực chữ ký và trình lên cho Phó Chủ tịch Mai ký.  

Về vấn đề ai giả chữ ký của anh An, chị Chi trong các giấy tờ, xã giải thích lòng vòng tối nghĩa, đưa tên những người lạ hoắc lạ huơ vào làm rối vấn đề. UBND xã chỉ kết luận rằng việc chứng thực chữ ký của bà Tuyền là “có thiếu sót”.

Anh An phẫn nộ: “Họ khăng khăng những chữ ký trong hồ sơ là chữ ký của anh em tôi, dù họ chưa hề mang đi giám định. Họ bao che cho cán bộ làm sai, tiếp tay cho bà Nang chiếm đoạt tài sản của chúng tôi”. Anh An tiếp tục có đơn khiếu nại, tố cáo. Thanh tra huyện Củ Chi vào cuộc.

Thanh tra huyện sau đó trưng cầu giám định chữ ký trên các giấy. Ngày 28/7/2017, Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM kết luận cả ba chữ ký nêu trên là giả, không phải do anh An, chị Chi ký. Thanh tra huyện ra kết luận với nội dung tố cáo của anh An, nhưng thất vọng nối tiếp thất vọng, khi kết luận này lòng vòng không kém kết luận trước đó của UBND xã Tân Thạnh Đông.

Theo kết luận thông báo ngày 13/6/2018, dù các giấy nêu trên là giả chữ ký nhưng chưa thể xác định ai là người viết, ký giả. Việc bà Tuyền cán bộ xã xác nhận chứng thực chữ ký dù không có mặt của anh An, chị Chi chỉ là “thiếu sót” và đã bị tổ chức kiểm điểm hình thức “rút kinh nghiệm”. Còn bà Mai, Phó Chủ tịch xã do tin tưởng bà Tuyền tham mưu nên mới ký chứng thực.

Theo kết luận, việc cấp sổ đỏ sai, trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch xã, Cán bộ địa chính xã Tân Thạnh Đông và Cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi (thời điểm cấp sổ đỏ - NV).

Một lá đơn có chữ ký giả anh An.
Một lá đơn có chữ ký giả anh An.

Tuy kết luận thừa nhận cấp sổ đỏ sai, nhưng lại cho rằng không thể thu hồi và huỷ “sổ đỏ”. Nói cách khác, nạn nhân trong vụ án là gia đình anh An “lãnh đủ”. “Không thấy đề nghị làm rõ trách nhiệm ai cả. Thậm chí, chữ ký đã có kết luận giả mà họ không đề nghị công an vào cuộc điều tra. Cấp sổ đỏ sai, thừa nhận xong lại mặc kệ gia đình tôi. Họ sai phạm trắng trợn và bao che cũng trắng trợn không kém”, anh An nói.

Đủ căn cứ khởi tố hình sự 

Đánh giá về sự việc, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định: “Hồ sơ vụ án cho thấy đã có dấu hiệu phạm tội nhưng từ xã Tân Thạnh Đông đến huyện Củ Chi kết luận như thế là có dấu hiệu bênh vực, bao che cho cán bộ làm sai. Ngay khi phát hiện có việc giả chữ ký, theo quy định phải chuyển ngay cho công an để làm rõ động cơ, mục đích và hậu quả của việc làm giả chữ ký ở mức độ nào? Ai làm giả?”.

Về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả của bà Tuyền (cán bộ xã), bà Mai (Phó Chủ tịch xã) và những cán bộ có thẩm quyền trong quá trình cấp sổ đỏ sai, theo Luật sư Hiệp: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, bà Tuyền, bà Mai phải hiểu rõ một khi chứng nhận sai, ẩu những bản cam kết, giấy từ chối nhận di sản thừa kế… sẽ dẫn đến tài sản bị chuyển dịch cho người khác, gây ra thiệt hại cho người có đất, gây tranh chấp, vi phạm trật tự quản lý xã hội. Nhưng hai cán bộ này đã không thực hiện đúng trách nhiệm, đúng pháp luật và thực tế hậu quả đã xảy ra cả về thiệt hại vật chất và tinh thần”, LS Hiệp nói.

Về trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng TN&MT huyện Củ Chi và cán bộ xã Tân Thạnh Đông, theo LS Hiệp: “Trong kết luận đã nêu rõ, hồ sơ (giả chữ ký) để cấp sổ đỏ mới có bốn căn nhà. Theo quy định, với các trường hợp như vậy, cán bộ buộc phải đi xác minh nhà đó của ai, xây dựng có phép hay không phép, thế nhưng không hiểu sao “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.

Sai phạm trắng trợn xảy ra đã nhiều năm, nhưng sự việc vẫn được bao che, có dấu hiệu “chìm xuồng”. Tìm hiểu kỹ lưỡng sự việc, càng thấy đây là một nghi án điển hình phát sinh từ nạn cán bộ địa phương cẩu thả lộng quyền, nạn lộn xộn trong quản lý đô thị và cấp giấy tờ đất đai… khiến người dân thiệt thòi oan ức, khiếu nại, tố cáo phát sinh phức tạp…

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo tới.

Đọc thêm