Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Văn Tâm đã đến dự và phát biểu đánh giá cao công tác tư pháp trong việc góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.Cần Thơ nói riêng và của cả khu vực phía Nam nói chung. Đông đảo lãnh đạo các cơ quan tư pháp của 25 tỉnh, thành đã về dự.
Tư pháp địa phương thể hiện mình
Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp cho biết: Xác định triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, các địa phương trong khu vực đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp.
Ngoài việc tham dự các hội nghị trực tuyến của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các địa phương thuộc khu vực còn triển khai sâu rộng đến người dân bằng cách biên soạn tài liệu, phát hành CD về những nội dung cơ bản, ý nghĩa của các điểm sửa đổi, bổ sung mới cấp phát đến từng người dân; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cạnh đó, các địa phương còn tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo nội dung của Hiến pháp, số địa phương còn có cả kế hoạch kiểm tra việc triển khai Hiến pháp…
Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cũng cho biết, công tác tư pháp, pháp chế trong khu vực có bước phát triển nhất định. Vai trò chỉ đạo tổ chức pháp chế của UBND cấp tỉnh, cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong công tác pháp chế ngày càng được tăng cường và thực hiện khá đồng bộ. Đến nay, đã có 23/25 địa phương có đề án kiện toàn công tác pháp chế và đã thành lập được trên 120 Phòng Pháp chế. Năm địa phương thành lập đủ 14 Phòng Pháp chế trở lên và đi vào hoạt động tại các sở, ngành.
Liên quan đến hoạt động triển khai thí điểm Thừa phát lại (TPL), các địa phương trong khu vực được chọn thực hiện thí điểm TPL đã thành lập được 13/19 Văn phòng TPL, trong đó TP.HCM là địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chế định TPL. Theo đó, số lượng văn phòng thành lập mới và kết quả thực hiện đều tăng.
Tuy nhiên, công tác văn bản QPPL và kiểm soát thủ tục hành chính còn tồn tại những khó khăn. Một số địa phương bị động trong việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, phải chờ UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo và thiếu nhân sự thực hiện. Bên cạnh đó, việc thực chi hỗ trợ cho cán bộ đầu mối làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất cách tính ngày làm thực tế công tác này.
Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tư pháp
Về những điểm mạnh, sáng kiến có thể nhân rộng, ông Nguyễn Phước Tài - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết: Bên cạnh các công tác kiểm tra văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật…, Sở còn đặc biệt quan tâm đến công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em ở các trường phổ thông. Theo đó, Sở tiến hành rà soát, phân loại các đối tượng là trẻ em để quan tâm theo dõi trong việc TGPL cho các em.
Ông Tài cũng cho rằng, hàng năm ngành Tư pháp nên chọn một lĩnh vực nào đó để tất cả các địa phương cùng thực hiện chứ không nên để từng địa phương tự chọn lĩnh vực để theo dõi thi hành pháp luật. TP.HCM chọn lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm để thực hiện, bởi đây được xem là một lĩnh vực thiết thực với đời sống xã hội của người dân.
Tại Cần Thơ có 9/9 quận, huyện đã thành lập tổ chức hành nghề công chứng; đến năm 2015, tất cả các tổ chức công chứng phải chuyển đổi từ một lên hai công chứng viên. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ Lê Thị Hải Yến cho hay: “Hàng năm, chúng tôi cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho các công chứng viên như mời Bộ Tư pháp và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện công việc này”.
Tương tự tại Sóc Trăng, Sở Tư pháp đã tranh thủ sự quan tâm của UBND tỉnh và các ban ngành. Bà Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng cho biết: “Ngoài việc chính của ngành, chúng tôi tham gia nhiều công việc khác của tỉnh hoặc mời lãnh đạo tỉnh tham gia các hoạt động tư pháp do Sở Tư pháp chủ trì. Từ đó mới tranh thủ được sự quan tâm, đồng thuận của lãnh đạo HĐND, UBND và các sở, ngành tại địa phương”.
Bà Nguyễn Anh Hoa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương nói về công tác tuyên truyền triển khai Hiến pháp, Bình Dương đã mời Thứ trưởng Bộ Tư pháp về triển khai cho hơn 1.000 cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh. Bà Hoa còn cho biết, Bình Dương có 85% xã, phường, thị trấn đã thực hiện chuyển giao chứng thực các giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng; còn tại huyện, thị xã đã có 100%. Các vấn đề khác liên quan đến công tác của ngành cũng được bà Hoa đề cập, góp ý và đề nghị đến Cục.
Ông Lê Tiến Châu đúc kết, Hội nghị được tổ chức theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hiệu quả và triệt để tiết kiệm. Các báo cáo, trao đổi, thảo luận mang đến nhiều thông tin hữu ích và cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.