Công trình vi phạm dọc tuyến kênh Đại Phú Giang (Hải Dương): UBND huyện Ninh Giang không đồng ý đề nghị cho tồn tại các cây cầu trái phép

(PLVN) - Liên quan đề nghị của các hộ dân đang sinh sống, kinh doanh có cầu đấu nối trục đường Đông - Tây tại thôn An Lý, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; UBND huyện cho biết việc các hộ dân đề nghị cho phép để lại các cây cầu và làm đường dân sinh phía trước mặt kênh Đại Phú Giang là không phù hợp pháp luật.

Trước đó, trong đơn gửi PLVN, người dân cho biết, thực hiện Quyết định 487/QĐ-UB ngày 22/6/2004 của UBND huyện về việc chuyển đổi mục đích SDĐ, 28 hộ dân đã thực hiện đấu giá, xây dựng nhà ở và sinh sống ổn định từ đó đến nay. Tại thời điểm đấu giá, do không có đường vào nhà, nên người dân đã tự góp tiền làm cầu bê tông bắc qua sông Phú Giang phục vụ việc đi lại vào đường tỉnh lộ 396.

Người dân cho biết, việc làm đường đi, bắc cầu qua sông thời điểm đó là rất cần thiết, đảm bảo có đường đi cho 28 hộ dân. Quá trình sinh sống, các hộ xây dựng nhà cửa, công trình hướng ra phía sông Phú Giang.

Tháng 8/2021, UBND xã xây đường bê tông làm lối đi nội bộ phía sau các nhà dân. Ngày 26/11/2023, UBND xã yêu cầu người dân tháo dỡ cầu bê tông bắc qua sông Phú Giang là lối đi lại của 28 hộ dân từ 2004 vì phạm kênh thủy lợi. Các hộ dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị có cách giải quyết phù hợp.

Trả lời Báo PLVN, đại diện UBND huyện cho biết, tại thời điểm đấu giá quyền SDĐ năm 2004, không có quy định bắt buộc phải làm đầy đủ hạ tầng. Địa phương tổ chức đấu giá quyền SDĐ theo hiện trạng các thửa đất, quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các thửa đất đã được quy hoạch đường đi phía Bắc khu vực đấu giá, giáp mương thuỷ lợi.

Thực tế tại khu vực này vẫn tồn tại đường sản xuất ra đồng và được quy hoạch là đường giao thông (đường dân sinh), khi tổ chức đấu giá đã được công khai và được các hộ dân tham gia đấu giá chấp thuận. “Các hộ dân không thể lấy lý do không có đường đi để biện minh cho việc xây dựng cầu vi phạm qua kênh. Các hành vi vi phạm đã được Thanh tra Sở GTVT, Xí nghiệp Khai thác Công trình Thủy lợi huyện, UBND xã lập biên bản ngay tại thời điểm đó”, đại diện UBND huyện cho biết.

Hiện tại các hộ đang sinh sống, sinh hoạt, kinh doanh có cầu đấu nối với trục đường Đông - Tây của tỉnh đã gây ảnh hưởng giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ách tắc dòng chảy. Việc thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường trục Đông - Tây của tỉnh hiện đang ở giai đoạn cuối, tổ chức lắp rào hộ lan để bảo đảm an toàn giao thông. Việc các hộ cố tình không thực hiện sẽ làm chậm tiến độ dự án.

Đại diện UBND huyện cho biết, việc triển khai công tác giải tỏa, tháo dỡ các vi phạm dọc tuyến kênh Đại Phú Giang và kênh T6 - Trạm bơm Hiệp Lễ được UBND huyện căn cứ theo các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy bảo đảm đầy đủ trình tự, thủ tục, đúng pháp luật.

Ngày 28/11/2023, UBND huyện ra Kế hoạch 138/KH-UBND về ra quân tuyên truyền, giải tỏa vi phạm trong phạm vi công trình thủy lợi kênh Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ trên địa bàn huyện.

Đến ngày 6/5/2024: có 147/156 cây cầu vi phạm và 24 lều quán đã được các hộ gia đình tự giác, tháo dỡ giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu cho công trình thủy lợi và giao thông. Trong đó, có 20 hộ dân thôn An Lý đã tự giác, tự nguyện tháo dỡ. Còn lại 8 hộ, 9 cầu thuộc địa bàn thôn An Lý không chấp hành, không hợp tác giải tỏa công trình vi phạm.

Việc một số hộ dân đề nghị cho phép để lại các cây cầu xây dựng trái phép và làm đường dân sinh phía trước mặt kênh Đại Phú Giang là không phù hợp pháp luật. UBND huyện không đồng ý. UBND huyện đã thực hiện các trình tự thủ tục ban hành quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng pháp luật.

Đọc thêm