COVID-19 và bạo hành

(PLVN) -  Vì sao số vụ bạo hành trẻ em không giảm nhiều, mà một số vụ mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng là điều trăn trở tại phiên giải trình về “tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” diễn ra sáng 22/2 do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục chủ trì phối hợp Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội (cùng thuộc Quốc hội) tổ chức.
Ảnh minh họa

Một thống kê cho thấy trẻ bị bạo lực bởi người thân trong gia đình trong 2021 chiếm tỷ lệ cao nhất, 72,84%; tăng 5,3% so với 2020. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, năm 2021, toàn quốc có 1.914 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Một số vụ như mẹ bạo hành con gái 6 tuổi ở Hải Dương; bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo lực ở TP HCM dẫn tới tử vong; bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị cha dượng đóng đinh vào đầu…

Trong 3 vụ việc bạo lực trẻ nổi cộm gần đây, lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) nhận định, hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý các em gây nên. Vụ việc diễn ra trong môi trường kín nên khó phát hiện và phòng ngừa.

Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự phân tích mặt trái của xã hội khi nhiều người quan niệm đây là việc riêng của mỗi gia đình, chưa có ý thức tố giác để ngăn chặn, nhiều vụ việc kéo dài trước khi được phát hiện. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều người mất việc làm, khó khăn trong kinh tế và mâu thuẫn gia đình, là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Cùng quan điểm, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết bạo lực gia đình đang tăng lên rất nhanh. Năm 2021, bạo lực trẻ chủ yếu xảy ra tại gia đình do phần lớn thời gian các gia đình ở nhà vì dịch COVID-19. Thực tế, con số có thể cao hơn vì nhiều trường hợp chưa được phát hiện.

Vẫn theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, còn có nguyên nhân sự xuống cấp về đạo đức, vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong một bộ phận người dân; xung đột gia đình và ứng xử của người lớn sau ly hôn cũng là một lý do, điển hình như vụ cháu bé bị bố ném xuống sông.

Vẫn biết đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Vẫn biết việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tạo thêm áp lực kinh tế, đời sống gia đình khó khăn, nhưng đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em?

Ví dụ không có COVID-19 thì trong gia đình nào và bất kỳ thời đại nào cũng ít nhiều có những lúc mâu thuẫn, áp lực, khó khăn; vậy chẳng lẽ cứ gặp khó là trút giận lên đầu con trẻ? Nói như vậy để thấy rằng, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tu dưỡng đạo đức của mỗi bậc làm cha, làm mẹ là rất quan trọng; chứ không nên chỉ quy hết lỗi cho COVID-19.

Để xảy ra những vụ bạo hành dã man còn có phần nguyên nhân từ năng lực cơ quan quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em ở một số địa phương. Và công tác phát hiện tố giác với những vụ bạo hành trẻ em còn chưa được phát huy. Như vụ cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất trước khi bị bắn đinh còn bị bắt nuốt đinh, uống thuốc sâu... nếu vụ việc được tố giác sớm đã có thể giúp ngăn hành vi bạo hành về sau. Vì vậy, như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội; cần có cuộc tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành để chủ động phòng ngừa, xử lý tình huống phát sinh từ cơ sở; là rất xác đáng.

Đọc thêm