Cụ bà 80 tuổi vẫn giữ giọng hát nồng nàn

(PLO) - Về Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội) ai muốn nghe hát trống quân sẽ được chỉ ngay tới nhà cụ Nguyễn Thị Vẫy, người có công lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển điệu trống quân cổ cùng những làn điệu mới, truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho thế hệ trẻ. 
Với niềm giữ nhịp trống quân Khánh Hà, những người cao tuổi trong Câu lạc bộ trống quân vẫn miệt mài tham gia các tiết mục biểu diễn.

Năm nay cụ Vẫy đã 80 tuổi song cụ vẫn nhanh nhẹn và mê hát, mặc dấu ấn thời gian, giọng hát của cụ vẫn bền bỉ, nồng nàn: “Ai về đàng ấy thì xa/Có về Đan Nhiễm với tôi thì về/Đan Nhiễm có bóng cây đề/ Có sông tắm mát có nghề chẻ nan/Chẻ nan, đan giậm cho ngoan/Mài dao cho sắc vót nan cho mềm...”.

Trống quân “ăn vào máu, thấm vào hồn”

Căn nhà cụ Vẫy ở sau đình làng. Cả cuộc đời cụ gắn bó, đắm đuối với những làn điệu trống quân, sáng tác các làn điệu mới và truyền hơi thở của trống quân cho các thế hệ học trò. Ghi nhận công lao của cụ, tháng 11/2015 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hà Nội vinh danh cụ Nguyễn Thị Vẫy là Nghệ nhân Ưu tú.

Nhắc tới đó, cụ cười rạng ngời: “Trống quân theo chúng tôi từ thời còn cắt cỏ, chăn trâu, đan giậm. Về sau, làn điệu trống quân mai một dần. Tôi cứ tiếc, nhưng vẫn cứ hát, hồi đó chỉ nghĩ, bây giờ chưa ai biết đến trống quân nhưng sau này người ta sẽ phải bảo vệ, giữ gìn nó thôi”.

Cụ Vẫy kể, mẹ cụ vốn là nghệ nhân trống quân, thuộc rất nhiều làn điệu cổ, thường sáng tác làn điệu mới để dạy cho con trai, con gái. Trong số các con, có cụ Vẫy và chị gái là mê hát trống quân nhất. Từ nhỏ với cụ trống quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

Theo tích xưa kể lại, trống quân ra đời trong một lần vua Quang Trung dẫn quân ra trận. Để đường hành quân bớt mệt nhọc, nhà vua đã tạo ra một điệu hát mới, cho quân sĩ giả làm đôi nam, nữ đối cùng nhau. Không có nhạc cụ, Vua ra lệnh đào hố, dùng mâm đậy lên, tay vỗ vào bề mặt, tạo tiếng vang rồi đặt tên là trống quân. Lối hát ấy làm quân gia phấn chấn, quyết đánh và làm nên những chiến công bất hủ.

Về sau, điệu hát được truyền bá rộng rãi trong dân gian, xuất hiện nhiều biến thể phù hợp với mỗi vùng, miền nhưng vẫn giữ được tên gọi gốc của nó. 

Cụ Vẫy tâm sự, niềm đam mê hát trống quân đã mang đến cho đời cụ hạnh phúc lứa đôi. Cụ ông Nguyễn Văn Cường vì mê tiếng hát của cụ mà xe tơ kết tóc với cụ, hai người sinh được cả một đàn con. Khi đứa con thứ 6 của cụ vừa 4 tháng, cụ lại ra đình hát. “Mẹ̣ chồng tôi thích con dâu hát trống quân, nên luôn ủng hộ tôi đi hát”- cụ bà chia sẻ.

Tuy vậy, cũng có thời điểm trống quân ở Khánh Hà tưởng như đã rơi vào quên lãng. Đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phương, vốn là điểm hẹn để trai gái các làng, xã quanh vùng chèo thuyền tụ về hát đối, ô nhiễm tới mức người ta “không thể thở” mỗi lúc lại gần. Lớp người biết về trống quân thưa vắng dần cộng thêm sự dửng dưng của người trẻ, cứ thế điệu hát trống quân “ngủ” trong ký ức của người Khánh Hà.

...Và niềm trăn trở giữ trống quân cho thế hệ trẻ

Trước nguy cơ di sản văn hóa phi vật thể dần dần trôi vào quên lãng, cụ Vẫy xót xa và luôn canh cánh nỗi trăn trở gìn giữ, bảo tồn nhịp trống cổ. Năm 2005, Câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà ra đời để gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ và truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho con cháu. Cụ Vẫy là một trong những nghệ nhân đầu tiên trong câu lạc bộ. Các nghệ nhân cung cấp lời hát trống quân cổ, đồng thời biên soạn, sáng tác lời mới phục vụ việc tập luyện và truyền dạy.

Trách nhiệm với quê hương và niềm say mê với điệu hát dân gian đã giúp cụ Vẫy suốt hơn 10 năm bền bỉ với việc làng, việc xã, đứng lớp truyền dạy trống quân cho các thành viên trong câu lạc bộ. Không biết chữ, cụ Vẫy cho cháu nội ôm vở theo sau để ghi chép thay cụ như một cách tổng hợp tư liệu cho lớp học. Tuổi cao, không ít lần ốm, mệt, người nhà xót ruột, cấm cản, nhưng cụ vẫn miệt mài bám lớp. 

Cuốn theo sự nhiệt thành của lớp người cao tuổi trong làng, ông Nguyễn Mạnh Tươi, lúc bấy giờ là cán bộ văn hóa xã, không chỉ tham gia học hát mà còn mạnh dạn gõ cửa Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhiều lần để xin kinh phí sắm đạo cụ, trang phục, mở lớp bảo tồn vốn cổ. Giá trị văn hóa hiện hữu trong làn điệu trống quân cùng sự tận tâm của người cán bộ văn hóa cuối cùng đã thuyết phục được những người có trách nhiệm.

Các lớp học được mở ra với sự góp mặt của cả người già và trẻ nhỏ, luôn đầy ắp niềm vui, sự hào hứng. Mỗi năm, câu lạc bộ mở một lớp tập hát trống quân cho 20 cháu bé từ 9-15 tuổi. Gần 10 năm qua, có khoảng hơn 100 người dân trong 7 thôn được truyền dạy hát trống quân, trong đó có 45 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ và tham gia biểu diễn dịp hội làng, lễ Tết.

Chẳng có ai đong đếm được hết những công sức mà cụ Vẫy cùng những nghệ nhân khác đã bỏ ra cho nhịp trống cổ. Với sự hồn nhiên, vui tươi mà trong trẻo, mộc mạc, những di sản văn hóa được sinh ra từ xóm làng, đồng ruộng vẫn đang ngày ngày được những người nông dân chất phác gìn giữ, trao truyền.

Ngồi bên cụ Vẫy, nghe giọng hát say sưa của cụ “mưa lâm thâm ướt đầm hoa súng, anh chỉ thương nàng cắp thúng theo anh...” mới có thể cảm nhận sâu sắc hơn những nếp nhịp trống quân cũng như niềm hạnh phúc của những người đang ngày ngày gìn giữ nền di sản của quê nhà./.

Đọc thêm