Cụ thể hóa tiêu chí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngày 20/7, Chính phủ ban hành nghị quyết về giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nghị quyết, các bộ, cơ quan, địa phương không trình lên cấp trên và chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền. Các cơ quan không đùn đẩy, kéo dài công việc, làm lỡ thời cơ của người dân, DN và lãng phí nguồn lực.

Theo nghị quyết, việc thay hoặc điều chuyển cán bộ năng lực yếu, không dám làm nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, không đáp ứng yêu cầu công việc. Người thực thi công vụ quyết liệt, hoàn thành tốt nghiệp vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ được khen thưởng.

Tình trạng cán bộ không không dám làm xảy ra ở nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Tháng 9/2021, tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tổng Bí thư cũng nhiều lần nói “ai không làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.

Mới đây, trong công điện ban hành ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu thực tế một số bộ, cơ quan, địa phương có tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; đẩy việc lên cấp trên hoặc sang cơ quan khác. Hậu quả là công việc kéo dài, cản trở, làm giảm hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt, có nơi “rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước”.

Một ngày sau khi Chính phủ ra nghị quyết, trong đó có yêu cầu khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, hôm qua (21/7), cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, cũng đã đánh giá còn tình trạng “một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền”.

Câu chuyện như vậy đã rất “nóng”. Vấn đề nữa nằm ở chỗ làm sao lượng hóa cụ thể tiêu chí thế nào là thiếu - đùn đẩy - né tránh trách nhiệm; là năng lực yếu; là không dám làm? Trong nghị quyết ngày 20/7, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quy định và biện pháp xử lý cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Kỳ vọng quy định này sẽ sớm được ra mắt, để có thể dễ dàng xử lý những cán bộ, công chức vi phạm.

Đọc thêm