Cơ quan đăng ký nhãn hiệu xem xét đơn theo trình tự nào? |
Nếu tính từ khi tên Nhà máy xi măng Trung Sơn xuất hiện trong Quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 108/2005/QĐ –TTg ngày 16/5/2005 thì đến nay chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Cty Bình Minh) đã “sống chết” với dự án được tròn 10 năm.
Dùng từ “sống chết” bởi trong 10 năm ấy là khủng hoảng kinh tế kéo dài, là những lần “đáo tụng đình” để đòi lại thương hiệu tưởng có khi đã bị “cướp” trắng, nhưng rồi doanh nghiệp vẫn kiên nhẫn vượt qua và dốc vào dự án ngót nghét đã gần 2.000 tỷ đồng. Tưởng trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả thì phút cuối, khi mẻ sản phầm đầu tiên chuẩn bị ra lò, doanh nghiệp lại bị chính người từng đồng hành với mình cản trở.
Cách đây 4 năm, khi biết một công ty khác nẫng tay trên thương hiệu “Trung Sơn” nhằm lập lờ đánh lận con đen nhà máy của họ với dự án đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào quy hoạch xi măng quốc gia, Cty Bình Minh đã gửi đơn cáo giác lên Cục SHTT.
Trước quyền lợi hợp pháp của Công ty Bình Minh, đối chiếu với Luật SHTT và các văn bản pháp lý có liên quan, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã ra quyết định công minh số 2470/QĐ-SHTT ngày 08/12/2010, hủy bỏ một phần hiệu lực Giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 đã cấp cho Cty TNHH Xuân Mai, cụ thể loại bỏ phần chữ “Trung Sơn” do trùng với thành phần phân biệt “Trung Sơn” của Nhà máy xi măng Trung Sơn trong Quy hoạch 108.
Nhưng nay, lại chính Cục SHTT “quay lưng” với doanh nghiệp, dù trải qua hơn 4 năm liền xin cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm xi măng Trung Sơn. Sau hàng chục lượt đơn đề nghị, doanh nghiệp mệt mỏi cho hay “khi thì Cục này chấp nhận đơn hợp lệ rồi sau đó lại là không hợp lệ”. Tác nhân “ngâm” hồ sơ, theo Cty Bình Minh, chính là cá nhân Phó cục trưởng Cục SHTT Trần Hữu Nam.
Không được bảo hộ, đồng nghĩa với việc sản phẩm của Nhà máy xi măng Trung Sơn có thể đối mặt với hành vi cạnh tranh không lành mạnh bất kỳ. Dự án 2000 tỷ hoàn toàn rủi ro về mặt thị trường.
Đề nghị Bộ trưởng xem xét trách nhiệm
Sở dĩ Cty Bình Minh cho rằng bị ông Trần Hữu Nam “trù úm” – theo ông Phùng Văn Hệ, Tổng giám đốc công ty – là bởi ngay chính một số cán bộ trong Cục SHTT cũng cho rằng đơn đăng ký nhãn hiệu xi măng Trung Sơn đến nay không còn gì có thể bắt bẻ, chỉ chờ một chữ ký của ông Cục phó, đặc biệt từ sau khi có bản án phúc thẩm của TANDTC.
Cụ thể Bản án số 56/2013/HC-PT của Tòa Phúc thẩm TANDTC ngày 9/4/2013 tuyên chấp thuận kháng cáo của Cục SHTT và Cty Bình Minh, sửa bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình, theo đó bác đơn khởi kiện của Cty TNHH Xuân Mai đối với yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 2470/QĐ-SHTT ngày 8/12/2010 của Cục trưởng Cục SHTT.
Trả lời báo chí hôm 30/11 về nghi vấn “ngâm” đơn của Cty Bình Minh, ông Trần Hữu Nam nói “chắc phải chờ thêm một thời gian nữa vì thực ra nhãn này cũng có tranh chấp với Công ty TNHH Xuân Mai”. Không rõ khi nói như vậy, ông Cục phó có biết rằng bản án phúc thẩm có giá trị pháp lý cuối cùng và trên thực tế, chính Cty Xuân Mai cũng đã chấp hành và đã đổi tên sản phẩm thành xi măng “Vĩnh Sơn”?
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, nhiều luật gia về sở hữu trí tuệ cho rằng, việc doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mà vẫn không được công nhận đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ là hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, dù biện hộ với bất cứ lý do gì.
Các luật gia cũng chỉ ra, quy trình hành chính của Cục SHTT như vậy còn kẽ hở dễ dẫn đến lợi dụng để gây khó dễ doanh nghiệp. Cơ quan này công khai rất rõ quy trình và thời hạn xem xét đơn, như 2 tháng công bố trên công báo, 9 tháng thẩm định…, nhưng lại không nói trách nhiệm của cán bộ khi cố tình “ngâm” đơn.
Từ tháng 7/2014, trong một báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân, Cty Bình Minh thẳng thắn kiến nghị “kiểm tra xem xét tư cách, phẩm chất đạo đức của đồng chí Cục phó Cục SHTT”, tiếc rằng từ đó đến nay Bộ Khoa học Công nghệ chưa cho thấy động thái nào về việc tiếp nhận và xử lý ý kiến doanh nghiệp, những người trực tiếp đổ tiền của, mồ hôi, nước mắt để giải quyết công ăn việc làm và nộp thuế.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Tạ Quang Minh:
“Với các lý do chủ quan, Cục sẽ nghiêm túc khắc phục”
Trả lời phỏng vấn Pháp luật Việt Nam xung quanh vụ việc này, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay:
Việc đăng ký nhãn hiệu là cả quá trình, trước đây Cục đã ra quyết định hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu "Trung Sơn" của Công ty Xuân Mai (theo đề nghị của Công ty Bình Minh) và đã ra Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm để bảo vệ quan điểm của mình về việc đăng ký nhãn hiệu "Trung Sơn" (mà Công ty Bình Minh là bên có liên quan).
Tôi rất thông cảm với sự chờ đợi của Công ty Bình Minh trong quá trình đăng ký đăng ký nhãn hiệu "Trung Sơn". Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian xem xét đơn có lý do khách quan và chủ quan (trong đó có thời gian phải xem xét đơn hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu của Công ty Bình Minh và thời gian chờ xem xét, quyết định của Tòa các cấp). Với các lý do chủ quan, Cục sẽ nghiêm túc khắc phục”.