Giữa không khí trang trọng, hân hoan của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Nghệ An Phạm Quốc Nam chia sẻ như vậy. Dù được vinh danh là Chiến sĩ thi đua toàn quốc duy nhất của khối cơ quan THADS cả nước nhưng anh Nam không muốn nói nhiều về bản thân, bởi “các thành tích cơ quan THADS Nghệ An có được như ngày nay là công sức đóng góp của tất cả anh em”.
Công tác THADS là hoạt động có vai trò thiết thực trong đời sống xã hội, đó là bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trong thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy KTXH phát triển... Do vậy để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, với vai trò là người đứng đầu đơn vị, anh Nam luôn chủ động cùng tập thể cán bộ, công chức trong cơ quan nỗ lực, cố gắng tìm tòi những giải pháp đem lại hiệu quả cao nhất.
“Tuy nhiên, công tác THADS cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp, vì liên quan đến tiền, tài sản của người phải THA, thậm chí là người thứ ba. Trong khi đó tính chất của các vụ THADS vô cùng nan giải: nếu là án hình sự thì chủ yếu là đối tượng hình sự; còn các vụ việc dân sự, tranh chấp kinh tế, thương mại và hôn nhân gia đình thì mâu thuẫn giữa các cá nhân, gia đình, dòng tộc, cộng đồng… đã lên đến đỉnh điểm”- anh Nam tâm sự.
Vượt lên mọi thách thức và trở ngại, nhờ công tác dân vận khéo nên trong nhiều năm qua, tại Nghệ An luôn có trên 95% các vụ việc THADS được giải quyết bằng việc vận động, thuyết phục, rất ít vụ phải dùng đến biện pháp cưỡng chế. Điển hình trong năm 2020, trong 14.186 vụ việc giải quyết xong, có tới 98% THADS thành công thông qua con đường hòa giải và thuyết phục.
Để có được những kết quả ấn tượng trên, theo anh Nam đó là nhờ các giải pháp mang tính đột phá. Điển hình là việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo... “Đột phá thứ hai là công tác phối hợp, mà điểm nhấn trong công tác này là chúng tôi đã chỉ đạo các chi cục THADS cấp huyện ký kết các quy chế phối hợp với UBND cấp xã trên địa bàn.
Đây thực sự là điểm mới trong công tác THADS và ở Nghệ An đã làm được trong 5 năm nay. Hiện nay gần như 100% các phường, xã đều có quy chế phối hợp với chi cục THADS các huyện. Việc này đã tạo nên sự hiệu quả từ cơ sở, hầu hết các vụ việc được giải quyết thông qua các quy chế phối hợp này”- anh Nam nói.
Khâu đột phá thứ ba của cơ quan THADS Nghệ An là luôn chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; luôn có phương án đa dạng, linh hoạt để có thể tìm được giải pháp thi hành phù hợp.
Từ những đột phá trên, trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm cơ quan THADS Nghệ An bình quân giải quyết xong 13.000 vụ việc. Riêng năm 2020, giải quyết xong 14.186 vụ việc/404 tỉ đồng, đạt 83,4% về việc và 40,5% về tiền, vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS giao.
Trải qua nhiều cương vị công tác, có biết bao vui buồn trong nghề, kể cả việc anh và các cán bộ, chấp hành viên THADS bị chống đối, gây thương tích… dù vất vả nhưng anh Nam tâm sự, cán bộ THADS cũng có niềm vui riêng. Mỗi lần giải quyết xong một vụ việc, các bên đều bằng lòng thì đó cũng là niềm vui của người làm công tác THADS, thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa, thấy hạnh phúc vì được cống hiến. Những niềm vui và hạnh phúc giản đơn ấy cứ nhiều lên theo năm tháng, là động lực giúp các anh tiếp tục phấn đấu và dấn thân.