Chia sẻ thông tin tạo điều kiện nắm bắt chính xác về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, ngăn chặn những kẽ hở làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những chủ thể tham gia giao dịch có liên quan đến tài sản đó. Một Thông tư liên tịch hướng dẫn việc này dự kiến sẽ được Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan ban hành trong 6 – ông Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho biết sáng qua - 11/5.
Ảnh minh họa |
Kẽ hở từ mù mờ thông tin
Liên tiếp những vụ án liên quan đến việc sử dụng 1 tài sản thế chấp vay tiền ở nhiều nơi, bán cho nhiều người; sử dụng sổ đỏ giả để cầm cố, thế chấp, giao dịch… đã xảy ra trong thời gian qua, gây thiệt hại, lo lắng và bất ổn trong dư luận. Một phần của tình trạng này là do thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm chưa được công khai bởi chưa xây dựng và tích hợp được cơ sở dữ liệu về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm là động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Bởi vậy, khi tham gia giao dịch có tài sản, cá nhân và DN chỉ biết “tin nhau và tin chính mình” nên khó, thậm chí không biết tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm ở đâu. Chính các cơ quan thẩm quyền cũng bị động và thường chỉ “đi sau giải quyết hậu quả” trong quản lý sự chuyển dịch tài sản… bởi không có thông tin.
Hiện nay, việc cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm đã được pháp luật về đang ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) qui định cụ thể, song việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan ĐKGDBĐ và các cơ quan có liên quan đến quản lý tài sản lại đang bỏ ngỏ. Hiển nhiên, khi “thông tin của ai người nấy giữ” thì cách xử lý tài sản sẽ phải theo kiểu “biết gì thì giải quyết thế”. Chưa kể đến việc ĐKGDBĐ có yếu tố nước ngoài cũng đang “trống” qui định. Đơn cử, với khoảng 1.200-1.300 xe có biển ngoại giao “lậu” (trốn thuế) đang lưu hành, nếu là tài sản bảo đảm thì “chưa biết xử lý như thế nào”.
Trao đổi thông tin để bảo đảm an toàn giao dịch
Minh bạch thông tin về tài sản bảo đảm là biện pháp để “bít” những kẽ hở làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những chủ thể tham gia giao dịch. Muốn vậy, cần có sự cung cấp, trao đổi thông tin giữa các bên nắm giữ thông tin về tài sản.
Đây có thể coi là “hoạt động nội bộ” của các cơ quan ĐKGDBĐ với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan THADS, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, lưu hành tài sản trên cơ sở cùng xây dựng, khai thác một cơ sở dữ liệu chung về tài sản bảo đảm. Các thông tin được cung cấp là những thông tin “tối thiểu, đơn giản nhất để ngăn chặn sự lạm dụng” – ông Vũ Đức Long khẳng định.
Mỗi cơ quan, tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng nên không phải cứ “hô” cung cấp, trao đổi thông tin là được. Đại diện Bộ TN&MT nhấn mạnh, phải gắn với trách nhiệm pháp lý của người cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm nếu không thông tin sẽ chỉ mang tính tham khảo vì không được cung cấp toàn diện và đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, “thiếu qui định về phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin thì yêu cầu “chìm vào im lặng” như hiện nay sẽ khiến qui định về cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm chỉ là hình thức”.
Lo ngại về khả năng thẩm định giấy tờ thật giả nếu cung cấp và trao đổi thông tin bằng các phương tiện hiện đại (fax, thư điện tử…), một số chuyên gia chưa thực sự tin tưởng vào hình thức cung cấp và trao đổi thông tin qua internet. Do vậy, việc xác nhận các loại giấy tờ không thể thực hiện qua mạng và hình thức cung cấp thông tin qua internet phải có giới hạn nhất định.
Hiện các sở Tư pháp cũng đang xây dựng dữ liệu về tài sản bảo đảm theo thông tin do các cơ quan khác cung cấp để ngăn chặn các vi phạm liên quan đến đăng ký thế chấp tài sản. Đây là cơ sở để triển khai việc cung cấp và trao đổi thông tin (2 chiều) về tài sản bảo đảm giữa các cơ quan ĐKGDBĐ và tổ chức, cơ quan liên quan.
Huy Anh