Tai ương chồng chất
Năm 1985, ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1967, làm nghề đạp xích lô quanh chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM) nên duyên vợ chồng với bà Văn Sáng (SN 1966, làm nghề rửa chén bát cho một quán ăn gần chợ Phạm Văn Hai). Cuộc sống dù nghèo đói nhưng họ luôn tràn đầy niềm vui hạnh phúc, nhất là vào năm 1987, bà Sáng sinh được một người con gái xinh xắn.
Hai năm sau đó, gia đình ông Lâm đón thêm một thành viên mới và đặt tên là Nguyễn Thị Hoài An. Một vài năm đầu, An phát triển bình thường nhưng khi lên 3 tuổi, An thường xuyên bị ốm đau. Nhà nghèo nên ít khi An được đưa đi bệnh viện mà chủ yếu ra trạm xá, hiệu thuốc khám đại cho qua.
Chỉ đến khi bệnh quá nặng, An mới được đến bệnh viện khám. Tại đây, bác sĩ kết luận An bị bệnh thiếu máu hồng cầu bẩm sinh không thể nào chữa khỏi được và rất tốn kém.
Thương con, vợ chồng ông Lâm đành cố chạy vạy khắp nơi được chút tiền về chạy chữa cho con nên bệnh tình dần ổn định, nhưng An vẫn không thể nào đi học được vì căn bệnh quái ác đó làm cho An vừa yếu ớt về thân xác lại chậm phát triển về trí tuệ. Chính vì vậy, niềm hy vọng duy nhất được vợ chồng ông Lâm đặt cả vào cô con gái đầu. Tuy nhiên, sự đời không như họ tưởng, bởi khi đang đi học lớp 3 thì cô bé ấy bị ngã, chấn thương sọ não rồi qua đời.
Đau buồn vì số phận hẩm hiu nhưng vợ chồng ông Lâm vẫn động viên nhau và dự định sinh thêm một người con, thế nhưng khi tìm đến bác sĩ thì họ khuyên rằng không nên sinh, vì có thể đứa trẻ cũng sẽ bị căn bệnh như An.
Tai ương này chưa qua thì tai họa khác đã ập đến. Sau bao năm sức tàn, lực kiệt vì phải thuốc men chăm bẵm cho An, bỗng một ngày đầu năm 2005, ông Lâm bị tai biến mạch máu não phải nằm liệt giường.
Bị cáo trước vành móng ngựa |
“Chồng liệt, con cũng bệnh nên tui phải làm nhiều hơn. 3h sáng đã phải chạy từ Tân Bình qua bên Chợ Lớn phụ bán hủ tiếu với người ta. Số tiền kiếm được chẳng là bao, có khi chỉ đủ cơm cháo qua ngày cho hai bố con nó. Tội con bé, nó bệnh như vậy mà không có tiền chữa, dăm bảy tháng tích cóp, vay mượn được vài ba triệu tôi mới dám đưa nó đi viện để truyền máu, trong khi đó bác sĩ bảo mỗi tháng phải truyền một lần…”- bà Sáng vừa khóc vừa kể về gia cảnh của mình.
Năm 2008, khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc bị giải tỏa để chỉnh trang đô thị, gia đình bà không thuộc diện được bồi thường vì khu nhà ổ chuột này là do lấn chiếm nên chỉ được hỗ trợ một phần. Cầm trong tay hơn 300 triệu, bà bỏ cả tháng trời lặn lội lên Củ Chi, Hóc Môn rồi xuống Nhà Bè để tìm miếng đất hợp với túi tiền làm nơi chui ra chui vào cho gia đình. Tìm mãi, cuối cùng bà quyết định mua căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm sâu hun hút, lại thường xuyên bị ngập lụt ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.
Giết con trọng bệnh vì bế tắc
Năm 2012, Phạm Nhật Dũng (SN 1991, quê Đầm Dơi, Cà Mau) phiêu dạt lên thành phố Hồ Chí Minh làm nghề phụ hồ. Trong một lần đi làm ở ấp 3 (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), Dũng đem lòng thương nhớ cô bé ở cạnh công trường. Sau thời gian tìm hiểu, Dũng được biết về bệnh tật và gia cảnh của An nên càng đồng cảm, yêu thương An hơn.
Chàng phụ hồ bất lực nhìn vợ con chết dần chết mòn vì không có tiền. |
Biết chuyện, mẹ An nhiều lần nhắc nhở, khuyên Dũng không nên lấy An bởi không có tương lai tốt đẹp gì, nhưng Dũng đã bỏ qua tất cả để đến với cô bé bệnh tật ấy.
Đầu năm 2013, một đám cưới nhỏ đã diễn ra. Dù được mọi người khuyên không nên sinh con vì đứa con ra đời sẽ mang căn bệnh di truyền như mẹ nó, tuy nhiên vì niềm mơ ước có một đứa con, vì niềm hy vọng sẽ có “phép màu” nào đó nên vợ chồng An quyết định sinh con.
Tháng 10/2013, một thiên thần nhỏ ra đời trong niềm vui hạnh phúc của hai bên gia đình. Những tháng đầu cháu bé phát triển khỏe mạnh, bình thường nên ai cũng hy vọng “điều kỳ diệu” sẽ đến, nhưng rồi đến tháng thứ 9, cháu bé đổ bệnh, bác sĩ chẩn đoán cháu bị căn bệnh di truyền từ mẹ. Chưa hết, một tháng sau, An đưa con đi khám lại thì được biết con mình đã bị ung thư máu.
Bản thân đau yếu không làm được gì, chồng làm phụ hồ bữa có, bữa không nên ngay đến tiền sữa cho đứa con đang lâm trọng bệnh cũng bị đứt quãng. Đã thế, người chồng vì mặc cảm không làm ra tiền nên không dám về nhà mà vất vưởng ở chốn công trình càng khiến An thêm đau buồn, nghi ngờ chồng ruồng bỏ mẹ con mình để theo người con gái khác. Ngược lại, Dũng cũng nghi ngờ vợ có người đàn ông khác nên hai vợ chồng càng thêm mâu thuẫn.
Đỉnh điểm của bi kịch ấy là vào tối 15/10/2014, người chồng đã đập vỡ điện thoại của mình lẫn của vợ rồi xếp quần áo lên công trình ngủ. Trước lúc đi, người chồng còn dọa sẽ ly hôn.
Khoảng 21h ngày 16/10/2014, khi An đang xếp quần áo vào tủ thì nghe có tiếng chó nhà hàng xóm sủa, cô nghĩ rằng chồng cho người về bắt con mình đi nên cô hoảng sợ chạy tới ôm con khóc. Lúc này An nghĩ về cuộc đời đầy đau khổ của mình, nào là chị chết, cha bị tai biến, bản thân bị bệnh, con lại bị ung thư, còn chồng thì bỏ bê gia đình… nên cô quyết định giết chết con rồi quyên sinh.
Nghĩ là làm, An lấy gối đè lên mặt con gái mới hơn 1 tuổi cho đến lúc cháu không còn vùng vẫy thì dừng lại. Biết con đã chết, An lấy dao Thái Lan và dao lam tự cắt vào tay, chân của mình. Thấy máu chảy ra ít, cô sợ không chết nên đi lấy sợi dây điện để thắt cổ. Muốn hai mẹ con mãi mãi ở bên nhau, An lại giường bế đứa con đã chết tới bên cửa sổ, một tay cô lồng dây diện vào cổ mình, một tay ôm con rồi nằm xuống.
Chiều ngày hôm sau, hàng xóm không thấy An bế con ra sân chơi như mọi ngày nên gọi cửa nhưng không ai trả lời. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, họ phá cửa xông vào thì thấy mẹ con An nằm bất động bên cửa sổ. Thấy cô còn ấm, người dân đưa cô tới bệnh viện cấp cứu. Sau nhiều ngày được bác sĩ tận tình cứu chữa, An may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Hối hận về hành vi của mình nên An luôn né tránh ống kính của giới truyền thông. |
Phán quyết nhân văn
Suốt phiên vừa qua, An luôn đan hai tay vào nhau và cúi đầu khóc sướt mướt. Thỉnh thoảng cô ngoái đầu nhìn về người mẹ tần tảo cùng người chồng khốn khổ của mình.
Trình bày với HĐXX về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, cô nghẹn ngào: “Hơn hai mươi năm trời bị cáo sống mà không bằng chết. Tai ương này chưa qua thì bi kịch khác đã ập tới. Nhà nghèo, bị cáo bị bệnh mà không có tiền chữa, cha thì nằm một chỗ, con bị cáo lại bệnh ung thư không biết sống chết ngày nào nên bị cáo muốn chết quách cho xong, chứ không muốn làm khổ ai cả. Lúc đầu bị cáo dự định sẽ một mình tự tử, nhưng vì thương con nên bị cáo muốn cả hai mẹ con cùng chết để mãi mãi được ở bên nhau…”.
Không hùng hồn, gay gắt như những vụ án giết người khác, ở phiên tòa này, đại diện Viện kiểm sát cũng phải chùng giọng trong phần luận tội của mình: “Lẽ ra với vai trò là người mẹ thì bị cáo phải yêu thương, chăm sóc cho đứa con bé bỏng của mình, nhưng chỉ vì suy nghĩ nông cạn, lạc hậu mà bị cáo đã ra tay với con mình. Quả thật gia đình bị cáo có quá nhiều nỗi đau. Từ nhỏ bị cáo đã không được tới trường bởi căn bệnh nan y bẩm sinh. Bị cáo phạm tội trong cơn cùng quẫn, bí bách. Sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận. Hơn nữa, hiện bị cáo đang bị bệnh nên cũng cần có bản án nhân đạo…”, từ đó vị này chỉ đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo từ 10 đến 12 năm tù.
Đại diện bị hại cũng là chồng bị cáo không yêu cầu bồi thường gì mà còn tha thiết mong HĐXX tuyên mức án nhẹ nhất để An sớm được về chữa bệnh. Dũng cho biết từ ngày con chết, vợ bị bắt giam, anh quay về Cà Mau làm thợ hồ. Lâu lâu anh kiếm được ít tiền thì lên Trại giam Chí Hòa thăm vợ. “Mỗi lần gặp, vợ em cứ khóc hoài và đòi quyên sinh. Thực tình làm người chồng mà không có tiền chữa bệnh cho vợ, mua sữa cho con em cũng buồn lắm, nhưng biết phải làm sao. Chỉ còn cách động viên vợ cố gắng vượt qua vì biết đâu một ngày nào đó sẽ có phép màu thì sao...?”- chàng thợ hồ ước mơ.
Cảm thông cho số phận của bị cáo nên HĐXX chỉ tuyên phạt An mức án 9 năm tù về tội giết người.
(Tên bị hại đã được thay đổi)./.