Đưa một phần cơ thể mình đi cứu người

(PLO) - Vượt qua những cám dỗ, tệ nạn, Phạm Văn Thọ (thôn Việt Hùng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) biết mình phải sống khác, phải trở thành người lương thiện sau khi nghe được tiếng tụng kinh của các nhà sư. Và trên con đường hướng thiện ấy, anh Thọ đã dùng chính cơ thể mình để cứu người... 
Anh  Thọ  với niềm vui  sống giữa đời thường.
Anh Thọ với niềm vui sống giữa đời thường.
Quá khứ lang bạt 
Là con trai út trong gia đình có năm chị em gái, bố mẹ mất sớm nên từ năm học cấp 3, Thọ sa đà vào những thói hư tật xấu, rượu chè, lô đề rồi bỏ học chơi bời, lêu lổng, nghịch ngợm, đánh nhau có tiếng ở trường. Năm lớp 11 Thọ bỏ học giữa chừng, giấu các chị gái bán cả căn nhà bố mẹ để lại để trả nợ cờ bạc, đi học lái xe rồi lang bạt vào tận Lâm Đồng sinh sống. 
Những ngày lang thang đến Tu viện An Lạc (Bảo Lộc, Lâm Đồng), nghe tiếng các nhà sư tụng kinh, anh thấy như có một luồng sinh khí mới chạy qua cơ thể mình. Tiếng tụng kinh của các sư thầy vang lên đều đều làm lòng anh như chững lại, nhẹ tênh. Những trò nghịch ngợm, tính khí bốc đồng của tuổi trẻ… dần mờ nhạt như sương khói. Hôm sau và hôm sau nữa, anh lại đến tu viện, lẩm nhẩm theo lời kinh, cảm thấy lòng tĩnh tại như mặt hồ. 
Sau hơn một tháng lui tới bầu bạn với các vị sư thầy, anh chợt cảm thấy cuộc đời mình bấy lâu nay như bị ai đánh cắp, chỉ biết rong chơi và nghịch ngợm, và anh muốn đi tu. Nhưng anh lại nhớ trách nhiệm làm con trai duy nhất trong nhà, phải thờ phụng cha mẹ, anh quyết định rời xa tu viện. Nhưng chỉ được vài hôm, nỗi nhớ lời tụng kinh và những giáo lý chân tu của nhà Phật lại kéo anh trở lại. Như đến duyên, anh quyết định gửi mình vào cửa Phật với pháp danh Thích Đạo Tín. 
Năm 2004 sư thầy Thích Đạo Tín về chùa Đại Bi, phường Bạch Hạc, TP.Việt Trì, sau đó chuyển qua chùa Vĩnh Ninh (ở Lâm Thao, Phú Thọ). Ở đây, anh đã gặp căn duyên “hiến nội tạng” cho bệnh nhi. Anh Thọ kể: “Tôi tình cờ đọc bài báo về một em bé bị suy thận nặng, đang đấu tranh với cái chết, tôi cảm giác như bị ai đấy thôi thúc phải làm một điều gì đó. Ngay lập tức, tôi bắt xe xuống bệnh viện xin hiến thận cho em, nhưng đã muộn”. Trở về chùa, sư thầy suy nghĩ rất nhiều và có phần ân hận chỉ vì chậm trễ mà em bé kia phải lìa cõi trần. 
“Tôi nghĩ ngay đến việc phải xin hiến nội tạng để khi cần bệnh viện có thể tìm đến ngay, sớm 1, 2 giây là cũng có thể cứu được cả một đời người. Thế là tôi viết đơn xin hiến tặng gan, thận của mình. Tôi viết cả di chúc hiến xác cho việc nghiên cứu và học tập của sinh viên ngành Y” – anh Thọ cho biết. 
Gian nan thực hiện ước nguyện hiến thận
Sau khi lá đơn hoàn thành, sư thầy gửi đơn hiến nội tạng của mình đến khắp các bệnh viện và đợi chờ một ai đó sẽ đến và giúp mình thực hiện tâm nguyện. Tưởng là dễ thực hiện vì chắc chắn có rất nhiều bệnh nhân ở vào tình thế nguy kịch, cần phải thay thận, ghép gan. Nhưng mỗi lần lặn lội đi làm xét nghiệm là mỗi lần sư thầy buồn bởi các chỉ số giữa hai cơ thể không tương thích. 
Anh Phạm Văn Thọ.
Anh Phạm Văn Thọ. 
Phải đến 3 năm sau, nguyện ước của sư thầy mới thành hiện thực vì “có phước mới gặp được cháu Hiệp, mới có người để tôi thọ ơn”. Nói đến đây, anh Thọ dừng lời, giải thích: “Theo giáo lý nhà Phật, chính tôi mới là người phải mang ơn họ vì tôi nhận từ họ một cơ hội để hoàn thành tâm nguyện của mình. Người thọ thí là ân nhân của kẻ bố thí. Tôi cho anh, anh là ân nhân của tôi. Tôi thuộc lòng câu nói này của nhà Phật. Đừng nghĩ rằng mình cho đi là họ phải coi mình là ân nhân”.
Hình như sau khi thực hiện được ước nguyện hiến một bên thận, sư thầy Thích Đạo Tín cảm giác như đã trả nợ được một phần duyên nghiệp của mình. Đúng lúc này, các anh chị lại điện thoại thúc giục Thọ về nhà, những lời nói gan ruột của các chị gái và anh rể tác động lớn đến suy nghĩ của Thọ. Quan trọng hơn, Thọ cảm giác mình đã hết duyên với nghiệp làm thầy nên quyết định hoàn tục. Trở lại với đời thường, một năm sau anh Thọ lấy vợ và sinh con. 
Bây giờ, hàng ngày anh ở nhà trồng rau, nuôi lợn gà, nấu rượu và trông con cho vợ đi làm ở xa. Dù còn nhiều vất vả nhưng anh tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Anh tâm sự: “Tự bằng lòng với những gì mình có thì cuộc sống sẽ hạnh phúc và ý nghĩa hơn rất nhiều”. 
Sau khi sinh con, anh lại làm đơn xin hiến thêm một phần lá gan của mình, hy vọng sẽ cứu được bệnh nhi nào đấy để cuộc đời này bớt đi những bất hạnh, mất mát. Anh Thọ cho biết: “Lá gan nặng 1kg, có thể cho đi 300 gam nên tôi vẫn xác định sẽ hiến gan tiếp để thực hiện ước nguyện của mình, để tu theo Phật và làm được một vài việc nho nhỏ mà Đức Phật đã làm cho cuộc sống này”. 
Rồi anh bảo, chỉ chờ đứa con gái nhỏ của anh học hết tiểu học, khi ấy chúng có thể tự chăm sóc nhau trong những ngày anh nằm viện, anh sẽ lại hiến gan của mình. 
Lại tiếp tục viết đơn xin hiến gan
Quyết định hiến gan của anh Thọ gặp phải rất nhiều dèm pha từ hàng xóm láng giềng. Một người bạn đã cười rằng “anh muốn nổi danh hay sao mà định hiến gan nữa”, nhưng anh mặc kệ họ. Bởi người ta có suy nghĩ của người ta, còn anh, tư tưởng, mục đích của anh khác vì anh đã được lĩnh hội và thấm nhuần đạo lý nhà Phật. 
Anh kể: “Lần viết đơn hiến gan này tôi phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm vì cũng còn phải lo cho vợ con nữa. Có người độc miệng còn nói tôi đi bán thận được 30 triệu nên giờ tìm cách bán tiếp gan nhưng tôi mặc kệ, mình làm gì mình biết, không phải để ý xem ai nghĩ gì cả. Dân làng tôi đâu biết, gia đình cháu bé tôi cho thận nghèo lắm, bố mẹ bé phải đi bán dưa cà ngoài chợ để sinh sống”.
Nói vậy nhưng anh không phân bua với ai, cứ để người đời bàn tán, đồn thổi bởi anh hiểu, cuộc đời này ai cũng cần tiền để sống. Anh cũng vậy, anh cũng cần tiền nhưng anh không bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền. Anh lấy những việc thiện lương làm niềm vui, lấy việc đọc kinh sách và thực hành đạo lý nhà Phật làm thước đo hạnh phúc đủ đầy. 
Cũng may vợ anh hiểu được đạo lý, hiểu anh và hiểu được những suy nghĩ của anh nên chị bằng lòng để anh thực hiện những tâm nguyện của mình. 
Anh Thọ tâm sự: “Thực lòng tôi không suy nghĩ quá nhiều về việc mình đã và sẽ hiến một phần nội tạng cơ thể mình. Tôi chỉ muốn việc tôi đang sống mà dám hiến cả 2 phần nội tạng cho những người không quen biết sẽ là một tiếng chuông giữa đêm khuya lay động, thức tỉnh con người hãy sống vì tình người, đừng mải mê chạy theo đồng tiền, đến lúc tỉnh ra thì e rằng đã quá muộn”. 
Chúng tôi hiểu rằng khi rút ruột, rút gan nói ra những lời tâm sự giản dị mà thấm đẫm nhân văn ấy, anh Thọ đã trải qua đủ mọi cung bậc thăng trầm của cuộc sống, đủ để anh thấm thía rằng cuộc sống này vô thường lắm và lẽ đời sẽ không có thiệt hơn, giận hờn, oán trách nếu người ta biết sống vì nhau, hy sinh vì nhau…/.

Đọc thêm