Cựu Bí thư Bến Cát bị bắt vì trả tiền mặt khi mua đất: Bộ Công an cần vào cuộc điều tra để đảm bảo khách quan, chính xác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đánh giá của nhiều LS, với các sai lầm, sai phạm trong bản án sơ thẩm mà TAND Cấp cao đã chỉ ra, sẽ rất khó có thể cáo buộc ông Khanh và hai cán bộ ngân hàng “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bản án của cấp phúc thẩm đã cho thấy ông Khanh hoàn toàn không phải “con ngoáo ộp” như một số người lầm tưởng.
Bản án của cấp phúc thẩm đã cho thấy ông Khanh hoàn toàn không phải “con ngoáo ộp” như một số người lầm tưởng.

Nghi án đã trải qua nhiều năm, nay lại trở về nơi xuất phát. Người chịu hệ quả trước tiên là các bị can “thân bại danh liệt”, mất công việc, mang thân phận bị can bị cáo... nhưng nỗi lo sợ nhất là với thực tế điều tra truy tố xét xử cơ quan tố tụng Bình Dương thực hiện trong vụ án này nhiều năm nay, không biết rồi nghi án này sẽ “đi đâu về đâu”?

Lời khẩn cầu của người kêu oan

Cùng quãng thời gian khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, Tỉnh ủy viên, cựu Bí thư TX Bến Cát) vì cho rằng ông Khanh là đồng phạm với hai hai cán bộ ngân hàng BIDV “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; cơ quan chức năng Bình Dương cũng khởi tố một vụ án khác. Đó là vụ án với tội danh tương tự xảy ra tại Tổng Công ty 3/2 (TCty 3/2), và sau khi Bộ Công an rút vụ án này về điều tra, hàng loạt cán bộ cấp cao nhất của tỉnh Bình Dương đã bị kỷ luật, khởi tố vì có liên quan.

Hai vụ án này không liên quan đến nhau, nếu như ông Khanh nhiều năm nay không có đơn tố cáo, luôn cho rằng bản chất vụ án liên quan đến mình là một sự việc bị trù dập. Một số người bị ông Khanh nêu tên trong đơn hiện là bị can trong vụ án TCty 3/2 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang thụ lý.

Với vụ việc của ông Khanh, TAND Cấp cao đã tuyên hủy án sơ thẩm vì kết tội không có căn cứ, và trả lại cơ quan tố tụng Bình Dương. Vì vậy ông Khanh cho rằng Bộ Công an cần rút hồ sơ vụ việc của ông về điều tra, để vừa thuận tiện xác minh lấy lời khai những người bị cho là “trù dập” ông, vừa đảm bảo chính xác khách quan.

Trong nhiều đơn kêu cứu gửi đi suốt nhiều năm nay, ông Khanh cho biết năm 2015 được điều động giữ chức vụ Bí thư Thị ủy Bến Cát; và ông Trương Tấn Dũng giữ chức Phó Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND TX Bến Cát nhiệm kỳ 2016 - 2020, theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Dũng cần tái trúng cử chức danh Chủ tịch UBND TX. Tuy nhiên, vào tháng 6/2016, tại kỳ họp HĐND TX lần thứ 1, ông Dũng không đủ phiếu tín nhiệm để trúng cử Chủ tịch TX.

“Trước kỳ họp, tôi có nắm được thông tin ông Dũng không được tín nhiệm nên đã báo cáo với Tỉnh ủy, trực tiếp là ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy (nay đã bị Bộ Công an bắt giam vì liên quan vụ án TCty 3/2 – NV) và đồng chí Phó Bí thư Thường trực”.

“Thế nhưng tại Thông báo 137/TB-TU ngày 10/08/2016, sau khi ông Dũng không trúng cử, Thường trực Tỉnh ủy lại cho rằng tôi không báo cáo bằng văn bản và cho rằng tôi “phải chịu trách nhiệm”, ông Khanh viết trong đơn.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bến Cát họp đề xuất kỷ luật với ông Khanh và ông Dũng, 2/3 ý kiến đề nghị không kỷ luật ông Khanh, nhưng Tỉnh ủy Bình Dương vẫn ra quyết định kỷ luật khiển trách, điều động ông Khanh về một Ban của Tỉnh ủy. Ông Dũng dù trượt chức danh Chủ tịch TX vẫn được giữ lại làm Phó Bí thư, 1 năm sau được điều động giữ chức vụ Trưởng một phòng thuộc Công an Bình Dương.

Nghi án sẽ “đi đâu về đâu”?

Trước đó, từ tiền hai vợ chồng tiết kiệm nhiều năm, cộng với số tiền hai bên gia đình cho vay mượn, ông Khanh và vợ là một bác sĩ thông qua người môi giới, mua đất của một bà cụ tại xã An Tây dự định trồng cây cao su, là “nghề tay trái” của người dân địa phương nơi đây.

Mắc mứu nằm ở chỗ đất này là tài sản đang được đảm bảo cho một khoản nợ chủ đất vay của ngân hàng BIDV. Chủ đất xin phép và được hai cán bộ có thẩm quyền của ngân hàng đồng ý cho bán đất cho vợ chồng ông Khanh lấy tiền trả nợ ngân hàng. Ông Khanh mua đất của người bán thậm chí còn đắt hơn giá trị trường. Về trả tiền, chủ đất yêu cầu ông Khanh vừa chuyển khoản, vừa chuyển một số tiền mặt.

Hai năm sau đó, khi xảy ra sự việc ông Khanh bị kỷ luật, ông Khanh đồng thời bất ngờ bị con trai của chủ đất (chủ đất thời điểm này đã qua đời vì già yếu – NV) làm đơn tố cáo. Thời điểm này ông Khanh vẫn là Tỉnh ủy viên, Đại biểu HĐND.

Và dư luận “ngã ngửa” khi ông Khanh bị bắt, bị tạm giam trong một vụ án mà lý do bị khởi tố, bắt giam là đã lợi dụng quyền lực vị thế Chủ tịch TX để o ép bắt một bà cụ ở tuổi gần đất xa trời phải bán đất giá rẻ cho mình.

Thực tế thì vợ chồng ông Khanh phải bán rừng cao cũ đã có nhiều năm nay, sau đó vay mượn gia đình hai bên (vốn nổi tiếng tại Bến Cát nhiều năm nay vì có truyền thống giỏi làm ăn, biết chắt chiu tiết kiệm – NV) mới đủ tiền mua khu đất oan nghiệt nêu trên. Ông Khanh đi mua đất với tư cách một nông dân muốn đầu tư cây trồng, thậm chí chịu giá đắt hơn thị trường, chứ không hề o ép gì người bán.

Và sau nhiều lần gia hạn điều tra, cuối cùng cơ quan tố tụng Bình Dương tuyên ông Khanh cả chục năm tù vì “câu kết, đồng phạm” với hai cán bộ ngân hàng trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Dù phải đến khi ra tòa ông Khanh và hai cán bộ ngân hàng này mới biết mặt nhau. Phán quyết này của cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương đã bị TAND Cấp cao bác bỏ trong phiên phúc thẩm.

Cấp phúc thẩm khẳng định cấp sơ thẩm kết tội không có căn cứ, không đúng với chứng cứ tài liệu thu thập được, quá trình điều tra có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Cấp phúc thẩm khẳng định với các chứng cứ đã thu thập cho thấy chưa đủ cơ sở xác định hậu quả là tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí; không thấy người bán đất bị o ép; không có căn cứ để cho thấy ông Khanh là “đồng phạm giúp sức”. Việc trả một phần là tiền mặt cho người bán đất là theo yêu cầu của người bán; người bán đã đề xuất và BIDV đồng ý việc này; ông Khanh không sai.

Sau khi TAND Cấp cao hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ và sau 4 tháng điều tra lại nhưng chưa thể kết luận được, ngày 10/11/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục gia hạn điều tra thêm 4 tháng (tới tháng 3/2022). Theo đánh giá của nhiều LS, với các sai lầm sai phạm trong bản án sơ thẩm, sẽ rất khó có thể tuyên ông Khanh và hai cán bộ ngân hàng “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Nghi án đã trải qua nhiều năm, nay lại trở về nơi xuất phát. Người chịu hệ quả trước tiên là các bị can “thân bại danh liệt”, mất công việc, mang thân phận bị can bị cáo. Nhưng nỗi lo sợ nhất là với thực tế điều tra truy tố xét xử trong vụ án này đã kéo dài nhiều năm nay, không biết rồi nghi án này sẽ “đi đâu về đâu”.

“Đề nghị của ông Khanh và những người trong vụ án về việc muốn Bộ Công an rút hồ sơ về điều tra là hoàn toàn chính đáng, phù hợp pháp luật, phù hợp thực tế”, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nêu ý kiến.

Đọc thêm