Cựu Tổng giám đốc VEC bị tuyên 5 năm 6 tháng tù

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thiếu trách nhiệm và vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, cựu Tổng giám đốc (TGĐ) VEC bị tuyên 5 năm 6 tháng tù.
Cựu Tổng giám đốc VEC bị tuyên 5 năm 6 tháng tù

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, sáng 27/10, TAND Hà Nội đã ra phán quyết với 22 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định xây dựng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tám (cựu TGĐ VEC) 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt của 2 tội bị cáo Tám phải chấp hành là 5 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó TGĐ VEC) bị tuyên 4 năm tù, Lê Quang Hào (cựu Phó TGĐ VEC) bị tuyên 2 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 24 tháng nhưng cho hưởng án treo đến cao nhất 6 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.

Bởi theo nhận định của HĐXX, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu có trong vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo, người liên quan…, HĐXX nhận thấy cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

“Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Việc đưa bị cáo ra xét xử và có hình phạt tương xứng là cần thiết”, bản án nêu. Theo HĐXX, để xảy ra sai phạm, thiệt hại trong vụ án, trách nhiệm đầu tiên là các bị cáo ở nhà thầu thi công, rồi đến tư vấn giám sát, rồi đến các bị cáo khác.

Xét các bị cáo đều là người làm công ăn lương, không có hưởng lợi cá nhân, đều ăn năn hối cải, công trình không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn đang được khai thác, chủ đầu tư cũng thu được phí nên áp dụng các quy định giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, quá trình tổ chức thi công, các đơn vị liên quan đều không tuân thủ quy định xây dựng, giám sát công trình dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Thực tế các hạng mục không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nghiệm thu thanh toán với tổng số tiền 460 tỷ đồng. Việc sửa chữa các điểm phỏng chỉ là ngắn hạn, không làm công trình đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt.

Theo quy định, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do lỗi mà người của pháp nhân gây ra. Do đó cần phải buộc các nhà thầu bồi thường cho chủ đầu tư.

Theo đó, Tòa buộc Tổng công ty Xây dựng số 1 CC1 phải bồi thường hơn 47 tỷ đồng, Tập đoàn Sơn Đông (Trung Quốc) phải bồi thường 129 tỷ đồng, Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc) phải bồi thường 85 tỷ đồng, Lotte E&C (Hàn Quốc) là 127 tỷ đồng, Posco là 71 tỷ đồng. HĐXX dành quyền yêu cầu bồi hoàn đối với các bị cáo cho các nhà thầu, nếu cần thiết thì giải quyết trong vụ án dân sự khác.

Về các ngân hàng đã phát hành bảo lãnh, trường hợp nhà thầu không bồi thường, VEC có quyền yêu cầu các ngân hàng thực hiện bảo lãnh, nếu có tranh chấp thì sẽ giải quyết trong vụ án khác.

Đọc thêm