Đã lạc quan nhưng không chủ quan

(PLVN) - Với sự kiên trì thực hiện 5K + vaccine, Việt Nam đã từng bước đẩy lùi đợt dịch COVID-19 thứ tư diễn ra từ cuối tháng 4 đến nay.
Hình minh họa.

Việt Nam đang thực hiện “chiến lược vaccine” bài bản bao gồm việc mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine thần tốc, hiệu quả nhất. Ngoài lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch nhân dân nhiều nơi đã được tiêm vaccine.

Để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, các tỉnh/ thành phố nơi phát sinh dịch bệnh đều có những cách làm sáng tạo tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt với tinh thần và quyết tâm càng nhanh, càng sớm, càng hiệu quả càng tốt. Các địa phương đều căn cứ tình hình thực tế để đặt mục tiêu phù hợp.

Ngay như Bắc Giang, khi phát sinh thành “ổ dịch” lớn nhất nước, sau gần 2 tháng đã ổn định tình hình, khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Toàn cảnh phòng chống COVID-19 đã sáng lên, có cơ sở để lạc quan.

Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường, chưa kiểm soát hết; sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, Đảng, Chính phủ kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”.

Thực hiện “mục tiêu kép” là rất khó khăn nhưng không thể không làm, không có lựa chọn nào tốt hơn. Chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn. Chống dịch là công việc thường xuyên, lâu dài, không phải ngày một, ngày hai. Càng khó khăn, thách thức, càng phải coi đây là động lực, là cơ hội để phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành và phát triển. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần “4 tại chỗ”, đoàn kết trong nội bộ, trong cộng đồng, trong xã hội và nhân dân.

Sắp tới đây, các địa phương còn phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này.

Người dân được xác định là trung tâm, là chủ thể, hệ thống chính trị ở cơ sở là nền tảng phòng chống dịch và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Việt Nam đã xây dựng được các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình, cơ bản không bị động, lúng túng.

Kinh nghiệm phòng, chống COVID-19 thời gian qua cho thấy, công tác phòng ngừa là thường xuyên, liên tục, cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; khi có dịch thì phải tấn công chủ động, quyết liệt, đột phá, hiệu quả. Chúng ta không chủ quan nhưng đã có cơ sở để lạc quan.

Đọc thêm