Đà Nẵng khó thu hồi dự án Đa Phước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 23/6, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đang chuẩn bị báo cáo Chính phủ các kiến nghị của thành phố liên quan việc khó thực hiện việc thu hồi dự án 181 ha và dự án 29 ha Đa Phước (thuộc quận Hải Châu và quận Thanh Khê).
Khu Đô thị Quốc tế Đa Phước
Khu Đô thị Quốc tế Đa Phước

Ngày 28/7/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình liên quan kết luận thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền đối với những vi phạm, khuyết điểm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức có vi phạm; thu hồi dự án để đảm bảo quy định pháp luật.

Tiếp đó, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch 6641 ngày 7/10/2020 triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức thu hồi dự án 181 ha theo đúng quy định pháp luật và sẽ xem xét, tạo điều kiện để sớm triển khai việc khai thác, sử dụng quỹ đất này.

Theo UBND thành phố, đối với dự án 29 ha, kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng thực hiện nội dung: “Kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án 29 ha”. Các bản án của TAND TP. Hà Nội trong năm 2020 giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này.

Về vấn đề này, các ngành chức năng Đà Nẵng nhận thấy hai nội dung trên khó9 có thể thực hiện được.

Lý do là Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Đa Phước đã chuyển nhượng nhà cho người dân vào ở trong dự án. Do vậy, khi thu hồi dự án phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất.

Sau khi thu hồi, việc giao lại đất cho các hộ dân không thực hiện được do không giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá. Do đó, phán quyết của tòa rất khó thực hiện trên thực tế.

Ngoài ra, việc thu hồi đất sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo sớm tiếp tục triển khai dự án nhằm ổn định tình hình và tránh mất an ninh trật tự, Đà Nẵng sẽ đề nghị UBND TP xin ý kiến Thủ tướng cho phép thực hiện nội dung theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và cho phép không thực hiện nội dung các tại bản án về thu hồi khu đất 29 ha.

Người dân đã sinh sống bên trong Khu Đô thị Đa Phước

Người dân đã sinh sống bên trong Khu Đô thị Đa Phước

Đối với dự án 181 ha, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ có hai nội dung song song phải thực hiện.

Cụ thể, thứ nhất là kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án. Thứ hai là thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi dự án 181 ha đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP. Đà Nẵng cần lưu ý tạo điều kiện để sớm phát triển khai thác, sử dụng quỹ đất này theo đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tránh xảy ra khiếu kiện sau này.

Các cơ quan tham mưu của Đà Nẵng nhận thấy, việc thực hiện hai nội dung trên cũng không thể thực hiện được.

Để đảm bảo sớm tiếp tục triển khai dự án và ổn định tình hình và nhằm tránh mất an ninh trật tự, UBND TP Đà Nẵng dự kiến xin ý kiến Thủ tướng cho phép thực hiện nội dung “Kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án 181 ha” và không thực hiện nội dung thu hồi dự án 181 ha.

Liên quan nội dung này, trước đó, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cho biết, các hộ dân ngụ tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước có đơn thư gửi HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị TP xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại dự án này.

Đồng thời, người dân cũng kiến nghị TP giải quyết cho Công ty TNHH The Sunrise Bay tiếp tục triển khai dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (dự án 181 ha) để giao cho người dân đã mua nhà của Dự án.

Theo Kết luận Thanh tra, năm 2005, UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 KĐT - sân golf Đa Phước. Sau nhiều lần điều chỉnh, khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước triển khai 2 dự án, gồm: dự án KĐT Đa Phước, diện tích 181 ha (gọi tắt là dự án 181 ha) ban đầu giao cho Công ty Daewon Cantavil làm chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho các doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và đổi tên thành Công ty TNHH The Sunrise Bay; dự án còn lại là khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình được xây dựng trên diện tích 29 ha (gọi tắt là dự án 29 ha) do Công ty TNHH phát triển nhà Đa Phước (Công ty Đa Phước), cũng là doanh nghiệp của Vũ “nhôm” góp vốn thực hiện.

Theo Kết luận Thanh tra, UBND TP.Đà Nẵng và các ban ngành ký thỏa thuận với Công ty Daewon Cantavil thời điểm 2006 có một số nội dung không đúng quy định của pháp luật, như: xác định tiền thuê đất và mặt nước (dự án 181 ha chỉ phải nộp 10 triệu USD trong 50 năm cho 145 ha đất) không có cơ sở, cùng các vi phạm quy định về đất đai. Cả 2 dự án trên đều lấn biển nhưng chủ đầu tư không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Đọc thêm