Đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm qua góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm qua góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp như quyền bầu cử, ứng cử, quyền trưng cầu ý dân, quyền bãi nhiệm đại biểu.
Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp như quyền bầu cử, ứng cử, quyền trưng cầu ý dân, quyền bãi nhiệm đại biểu.

Bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân

Sau hai tháng rưỡi triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban biên tập dự thảo Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, có 9 vấn đề lớn nổi lên qua quá trình lấy ý kiến đóng góp. Trong đó có vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. "Qua tổng hợp bước đầu các ý kiến gửi đến, Ban biên tập nhận thấy, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo, có ý kiến đề nghị làm rõ nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp là những việc gì, thực hiện bằng cách nào; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan khác là cơ quan nào?", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Ban biên tập, việc sửa đổi Hiến pháp phải thể hiện cụ thể quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp như quyền bầu cử, ứng cử, quyền trưng cầu ý dân, quyền bãi nhiệm đại biểu.

Nhân dân thực hiện quyền dân chủ đại diện của mình thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và thông qua các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND. Tuy nhiên, việc nhân dân thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp hay dân chủ đại diện như thế nào là do luật quy định cụ thể.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lại cho rằng cần khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân chứ không chỉ riêng quyền lực Nhà nước. "Quy định như vậy sẽ phù hợp với bản chất chế độ ta, và các quy định tiếp theo của Hiến pháp đều thể hiện trên tinh thần này", Đại biểu (ĐB) Châu nói.

Nhận xét nhiều quy định (ví dụ như kiểm soát quyền lực nhà nước, vai trò phản biện của MTTQ...) trong dự thảo Hiến pháp chưa rõ, ĐBQH Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) đề nghị cần phải thiết kế các điều khoản theo hướng rõ hơn, gọn hơn. Đặc biệt, liên quan đến các quy định về các thiết chế mới trong đó có Hội đồng Hiến pháp sao cho xứng tầm.

Cần rõ hơn mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Khẳng định vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ĐBQH Trần Du Lịch (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, sửa đổi Hiến pháp lần này phải giải quyết được bức xúc nhất là vấn đề tổ chức chính quyền địa phương.

Theo ĐB Lịch, chính quyền địa phương không nhất thiết phải có 4 cấp, nên có cấp quốc gia, cấp tỉnh và cơ sở (gồm xã, thị trấn, các đô thị lớn nhỏ) và do Luật quy định. Chính quyền là phải do dân cử, vì thế không thể không có HĐND. "Cái gì cấp cơ sở làm được thì cấp trung gian không làm, cấp tỉnh làm được thì quốc gia không làm, phải phân nhiệm rõ ràng, và phải tăng tính tự chủ cho địa phương".

Một trong những vấn đề được ĐB Lịch lưu ý đã đến lúc không nên dùng khái niệm Ngân sách Nhà nước mà là ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Ngân sách Quốc gia do Quốc hội quyết, còn ngân sách địa phương do HĐND quyết."Nếu quản lý như vậy sẽ không còn cơ chế xin cho về ngân sách. Quản lý hiện nay không bao giờ tái cơ cấu đầu tư", ĐB Lịch nói

ĐB Phạm Đức Châu cũng đồng tình với ĐB Lịch "đã có cấp chính quyền thì phải có HĐND, bộ máy là vấn đề quan trọng, nên phải khẳng định có mấy cấp bộ máy chính quyền, chức năng ra sao, các bộ phận thế nào?".

Vấn đề chính quyền địa phương, qua theo dõi bước đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết có hai loại ý kiến. Nhiều ý kiến đóng góp tán thành với quy định khái quát như dự thảo, nhưng nội dung cụ thể sẽ do luật định.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ ngay trong Hiến pháp mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, tăng cường tính tự chủ của các chính quyền đô thị, đặc biệt là đô thị lớn.

Bình An