Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc vụ những cuốn sách được “độ” bìa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Hoàng Minh Hiếu – Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh về việc những cuốn sách bản đặc biệt được “độ” bìa thời gian qua.
Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc vụ những cuốn sách được “độ” bìa

Thời gian vừa qua, thị trường sách ở Việt Nam bỗng trở nên đáng chú ý hơn bởi sự xuất hiện của một loại ấn phẩm đặc biệt là những cuốn sách được “độ” bìa của Công ty Cổ phần văn hóa Đông A. Tuy nhiên, việc phát hành những cuốn sách như thế này đang có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động xuất bản.

Lý do khiến cuốn “Napoleon Bonnaparte” bản đặc biệt có giá cao hơn nhiều lần bản thông thường là cuốn sách này được ‘độ’ bìa là sử dụng bằng những vật liệu cao cấp như da, gỗ, giấy cao cấp, vàng; trạm khắc hoa văn để thay đổi diện mạo bên ngoài của cuốn sách trở nên đẹp hơn, sang trọng, đắt tiền.

Tuy nhiên, bìa cuốn sách bản đặc biệt này lại không ghi tên nhà xuất bản, không ghi tên Công ty Đông A, không ghi tên tác giả, tên dịch giả. Gáy sách không có tên và logo của nhà xuất bản; bìa sau không ghi giá sách, không hiển thị mã vạch, số ISBN.

Đáng chú ý, cuốn “Napoleon Bonnaparte” bản đặc biệt và thông thường của Đông A đều dùng chung 1 giấy xác nhận đăng ký xuất bản số 1163 và quyết định xuất bản số 418. Hai cuốn sách khác nhau lại có cùng chung số ISBN là: 978-604-323-410-7.

Trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Hoàng Minh Hiếu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An biết: “Trong thời gian vừa qua, qua theo dõi báo chí, dư luận cử tri tôi được biết một số công ty sách và công ty dịch vụ văn hóa đã có những sáng tạo trong kinh doanh, xuất bản những ấn phẩm đặc biệt để cung cấp cho bạn đọc những ấn phẩm có giá trị. Tôi cho rằng đây là ý tưởng sáng tạo và phục vụ nhu cầu trực tiếp của bạn đọc. Tuy nhiên, qua phản ánh của cơ quan báo chí thì các cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc để làm rõ việc xuất bản những ấn phẩm đặc biệt này phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ như trang bìa cần phải in những thông tin gì theo đúng quy định của Luật Xuấn bản và nộp lưu chiểu vào Thư viện Quốc gia. Đồng thời, phải đảm bảo môi trường bình đẳng trong kinh doanh”.

Ông Hoàng Minh Hiếu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc những cuốn sách bản đặc biệt được "độ" bìa trong thời gian qua.

Ông Hoàng Minh Hiếu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc những cuốn sách bản đặc biệt được "độ" bìa trong thời gian qua.

Ông Bùi Việt Mỹ - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết “Việc sử dụng chung Số xác nhận đăng ký xuất bản và Số quyết định xuất bản cho 2 ấn phẩm khác nhau là chưa từng có tiền lệ. Công ty Đông A cần xem xét lại vấn đề này xem đã đúng quy định pháp luật hay chưa bởi giấy phép xuất bản rất quan trọng. Nó liên quan đến thời gian phát hành, số lượng phát hành, giá thành sản phẩm, nguồn thu của nhà xuất bản (ảnh hưởng trực tiếp tới nghĩa vụ đóng thuế) và việc bảo vệ quyền tác giả”.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Nam (Văn phòng Luật sư Hồng Bách và cộng sự) cho biết, tại Điều 22 Luật xuất bản 2012 có quy định về hoạt động đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản. Trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định.

Tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xuất bản có quy định, văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra Quyết định xuất bản đối với từng tác phẩm, tài liệu, xuất bản phẩm tái phẩm.

Đồng thời tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 05/2016/TT-BTTTT quy định về quản lý và và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn Quốc tế, quy định các trường hợp được cấp một mã số ISBN riêng biệt. Theo đó, yêu cầu cấp mã số ISBN riêng cho sách cùng nội dung nhưng xuất bản dưới các hình thức khác nhau (sách in bìa cứng, sách in bìa mềm, sách kèm đĩa, sách điện tử, sách chữ nổi).

Như vậy, việc sử dụng mã số ISBN của sách phiên bản thông thường cho sách phiên bản đặc biệt là hoàn toàn trái với quy định. Bởi phiên bản thông thường và phiên bản đặc biệt không chỉ có hình thức khác nhau mà giá bán của chúng cũng có sự chênh lệch lớn.

Trước đó, Đại diện Thư viện Quốc gia cho biết đã nhận được lưu chiểu các bản sách bản thông thường của Công ty Đông A liên kết với NXB Văn Học nhưng chưa nhận được các bản sách ‘độ’ bìa loại đặc biệt của Công ty Đông A.

Trước những thông tin trên, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc để làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản sách.

Đọc thêm