Đại công trình lấn biển nguy cơ phá vỡ cảnh quan Vũng Tàu

(PLVN) - Thời gian qua, hàng ngàn m2 mặt biển bị san lấp tại cung đường ven biển TP Vũng Tàu đang gây xôn xao dư luận. Mặc dù chủ đầu tư có treo biển thông tin dự án, tuy nhiên người dân vẫn hoài nghi về tính pháp lý và sự khả thi của dự án này. 
Dư luận lo ngại dự án phá vỡ cảnh quan Vũng Tàu.
Dư luận lo ngại dự án phá vỡ cảnh quan Vũng Tàu.

Rầm rộ tái khởi động sau khi “treo” hàng chục năm 

Dự án Cụm dịch vụ Ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu do Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư có vị trí tại số 1A đường Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án này nằm trong tổng thể dự án Khu du lịch núi Lớn - Núi Nhỏ được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch từ năm 1998. 

Theo hồ sơ, tháng 12/1998, quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch Bãi Trước được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt. Trong 22 ha, có 10 ha mặt nước để xây dựng Khu du lịch, gồm khu Thủy cung được bố trí tại khu vực Hòn Ngưu. 

Đến cuối năm 2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu với diện tích hơn 67.000 m2, mục đích sử dụng là đất mặt nước chuyên dùng, được UBND tỉnh cho thuê đất để đầu tư xây dựng cáp treo Vũng Tàu với thời gian thuê 50 năm. 

Giữa năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định điều chỉnh phê duyệt thủy cung Hòn Ngưu, thay thế quyết định từ năm 1998. Đầu năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và tháng 8/2019 Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Dự án có tổng diện tích khoảng 6,9 ha và hoàn toàn lấn biển để xây dựng khu Thủy cung và khối khách sạn 22 tầng.

Dự án đã “treo” từ rất lâu với nhiều nguyên nhân bỗng dưng được khởi động lại một cách rầm rộ khiến người dân lo lắng về việc nguy cơ phá nát cảnh quan khu vực bờ biển TP Vũng Tàu, ngăn chặn người dân tiếp cận với biển, ảnh hưởng đến không gian, tầm nhìn di tích quốc gia Bạch Dinh đã được xếp hạng. 

Chưa kể quá trình thi công, xe tải đổ đất đá xuống biển gây ồn ào, xe xếp hàng vận chuyển đất đá gây bụi, việc đổ đất đá xuống biển cũng không có phương án che chắn nào nhìn rất phản cảm. Rồi rác từ đất đá trôi nổi gây ô nhiễm mặt biển, mất cảnh quan, tạo hình ảnh xấu trong mắt du khách. 

Còn có ý kiến cho rằng, dự án có đê chắn sóng và tiến hành san lấp mặt bằng lấn từ bờ ra biển khoảng 200m sẽ làm thay đổi dòng chảy, sóng sẽ gây xói lở khu vực bãi trước.

Chủ đầu tư đã từng có nhiều vi phạm

Theo tìm hiểu, Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu trong quá khứ đã một số lần vi phạm các quy định về đất đai và xây dựng. Điển hình, đoàn kiểm tra của UBND TP Vũng Tàu đã phát hiện chủ đầu tư san lấp, lấn chiếm gần 2000m2 đất khi triển khai giai đoạn 1 dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo trên Núi Lớn và phía dưới mặt biển TP Vũng Tàu vào năm 2011. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bị xử lý...

Đến năm 2017, trong báo cáo kết quả kiểm tra về xây dựng tại dự án Hồ Mây (một dự án của chủ đầu tư này), đoàn công tác của UBND tỉnh kết luận, hầu hết các hạng mục xây dựng tại đây, từ hạng mục chánh điện Hồ Mây, núi cảnh quan đến hồ nước, sân khấu nhạc nước... đều không đúng quy hoạch và không có giấy phép xây dựng.

Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, ngày 6/6/2018, UBND tỉnh lại yêu cầu “chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đất đai liên quan đến phần diện tích chênh lệch so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được UBND tỉnh cấp”. Báo cáo của Sở Xây dựng mới đây cũng đề cập đến phần diện tích bị “dôi ra” của công ty này và cho biết hiện công ty này đang làm thủ tục thuê đất...

Việc dư luận lo ngại về năng lực của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án cũng như lo ngại về việc xâm phạm tới Di tích quốc gia Bạch Dinh, cơ quan chức năng cho biết do dự án được quy hoạch từ năm 1998, khi chưa có Luật Đầu tư và Luật Di sản văn hóa nên chủ đầu tư không phải ký quỹ và tự chịu trách nhiệm về năng lực của mình, còn việc xâm hại tới di tích hay không đã được rà soát và tính toán kỹ...

Cơ quan chức năng cần tính toán lại

Phản biện những lập luận trên, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM), nêu quan điểm pháp lý: Các dự án của Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu đã được cấp phép đầu tư (từ năm 1998), có quy định thời gian thực hiện từng giai đoạn và thời gian hoàn thành. 

Trường hợp chủ đầu tư thực hiện không đúng tiến độ đã phê duyệt, được gia hạn trong thời hạn cho phép nhưng vẫn không hoàn thành và sau đó, do có quy định pháp luật mới như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo... thì các quy hoạch trước đây phải được xem xét lại cho phù hợp với thực tế tại thời điểm hiện nay, không thể dựa hoàn toàn vào các bản quy hoạch trước đây để thực hiện. 

Dự án nằm tại khu vực đô thị, khi thay đổi các quy hoạch phải thực hiện đúng theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng là phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo với quy định cụ thể tùy loại đồ án quy hoạch.

Phối cảnh dự án Cụm dịch vụ Ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu.
 Phối cảnh dự án Cụm dịch vụ Ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu.

Thông thường, với dự án của Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu, có thể chưa xem xét đến thủ tục và quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê đất, nhưng cần xem xét kỹ quá trình điều chỉnh quy hoạch tại khu vực này đã tiến hành tổ chức và thực hiện đúng quy định lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như thế nào.

Trên thực tế, không ít các dự án có tình trạng như dự án này, như dự án lấn sông Đông Nai tại TP Biên Hòa, mặc dù doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục nhưng sau đó phát hiện quá trình thực hiện đó có vấn đề, việc xét duyệt thủ tục dựa trên hồ sơ và các đánh giá, đối chiếu không đầy đủ nên cần xem xét và đánh giá lại cho đầy đủ, đúng khoa học.

Theo nhiều ý kiến, hiện trạng hiện nay dự án đang xâm lấn biển tác động đến môi trường biển (làm mất bờ biển, ảnh hưởng đến bờ biển khu vực xung quanh, môi trường sinh vật…), môi trường khu du lịch... rõ ràng là một nguy cơ, các nhà quản lý cần tính toán lại.

Được biết ngày hôm qua (14/10), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức kiểm tra, báo cáo về việc Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu lấn biển xây thủy cung thuộc Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu.

Sở Xây dựng sẽ phối hợp với TP Vũng Tàu rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án, kiểm tra cụ thể hiện trạng khu vực lấn biển; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý.

Trả lời báo chí, ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết cơ quan này đang rà soát tổng thể dự án, báo cáo tỉnh trong tuần này. Sau đó, UBND tỉnh họp các sở ngành liên quan và sẽ có câu trả lời cụ thể về dự án.

"Nếu như tính khả thi, hiệu quả vẫn còn, khả năng không ảnh hưởng đến môi trường thì dự án vẫn tiếp tục. Trường hợp xấu nhất thì tỉnh phải có hướng xử lý", ông Hưng nói.

PLVN sẽ tiếp tục theo dõi phản ánh sự việc. 

Theo một nguồn tin, thời gian qua có 8 trường hợp xe tải chở đất đá để san lấp thực hiện dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu bị Đội CSGT TP Vũng Tàu xử lý hành chính về vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Đọc thêm