Người chắp bút những quy định này, PGS,TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), đã lý giải cụ thể tại Hội nghị phổ biến hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi) cho báo cáo viên pháp luật, do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 17/1 vừa qua tại Hà Nội.
|
Khái niệm vật quyền đã có từ hơn 1.500 năm
Là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật dân sự, ông Dương Đăng Huệ cho biết khái niệm vật quyền và trái quyền đã tồn tại từ thời kỳ La Mã (cách đây hơn 1500 năm). Tại Bộ luật Napoléon (1804) - BLDS đầu tiên trên thế giới thì phần thứ hai đã là vật quyền (quyền trên vật).
Đến thời hiện đại, BLDS của Nhật Bản cũng quy định vật quyền tại phần hai, trái quyền tại phần ba. BLDS của Đức, quy định chung về vật quyền tại phần một, phần thứ hai là trái quyền. Tóm lại, đã có BLDS, thì không thể thiếu bộ phận thiết thân của nó: Vật quyền và trái quyền. Việt Nam cũng theo xu hướng như vậy.
Người chắp bút dự thảo khẳng định: Lần này, nếu không sử dụng lý thuyết vật quyền, trái quyền thì BLDS sẽ không hoàn chỉnh.
“Tại sao lại xuất hiện khái niệm vật quyền? Khái niệm vật quyền không phải cái mà người ta “nghĩ ra cho vui” mà nó đòi hỏi từ thực tiễn. Nó là sản phẩm tất yếu của lịch sử chứ không phải tư duy ngẫu hứng của các luật gia”, ông Huệ nói.
Chuyên gia Dương Đăng Huệ đã dẫn giải cho khẳng định trên bằng minh hoạ dễ hiểu. Con người ta đương nhiên phải sống, mà sống thì phải có nhu cầu, có nhu cầu thì phải thoả mãn nhu cầu. Muốn thoả mãn nhu cầu thì phải có tài sản. Tài sản là phương tiện đầu tiên và phải có để con người thoả mãn nhu cầu của mình.
Ví dụ: Con người có nhu cầu phải ở, phải có nhà, muốn đi lại phải có xe, muốn sống phải có lương thực.Tóm lại, con người phải có tài sản để thoả mãn nhu cầu. Nhưng để sử dụng tài sản, con người phải có quyền gì đó, có tài sản mà không có quyền thì vô nghĩa.
Cho nên, Nhà nước bằng pháp luật, phải thừa nhận một con người khi có một tài sản nào đó thì họ được ứng xử với tài sản của mình như thế nào? Họ được thực hiện những quyền gì trên tài sản? Từ đó xuất hiện khái niệm vật quyền.
Khái niệm vật quyền và trái quyền
Vật quyền thực chất là quyền trên vật. Một người có tài sản thì có quyền trên vật hay cách khác gọi là quyền sở hữu. Quyền trên tài sản của mình gọi là quyền sở hữu. Quyền trên tài sản của người khác thì gọi là các loại vật quyền khác. “Ví dụ, tôi mua một miếng đất, thì tôi có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt miếng đất đó (gọi là vật quyền).
Nhưng miếng đất của tôi lại bị bao bọc bởi một miếng đất của hàng xóm, thì tôi có quyền yêu cầu hàng xóm phải cho con đường để tôi đi ra. Tức là, tôi có quyền nhất định trên mảnh đất của hàng xóm và hàng xóm tự hạn chế quyền của mình (gọi là vật quyền khác)”, ông Huệ nói.
Như vậy, vật quyền là một khái niệm được hình thành trực tiếp từ quyền trên vật, là quyền sở hữu trên tài sản của mình. Quyền trên tài sản của người khác thì gọi là vật quyền hạn chế. Vật quyền cho phép một người được thực hiện quyền chi phối trên vật của mình.
Đối ngược với vật quyền là trái quyền. Trái quyền là quyền của một người được yêu cầu người khác phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định và chỉ qua hành vi của người đó thì quyền và lợi ích của người có quyền mới được đáp ứng.
Khi phân biệt khái niệm vật quyền và trái quyền, luật pháp các nước trên thế giới hướng đến ý nghĩa trọng tâm điều chỉnh. Trong vật quyền, thì trọng tâm điều chỉnh pháp luật là việc quy định cho người chủ tài sản có những quyền gì đối với vật, đối với vật quyền thì anh có quyền gì. Còn với trái quyền, trọng tâm điều chỉnh là bắt anh phải làm những cái gì vì lợi ích hợp pháp của người khác.
Ứng vào quy định cụ thể tại Dự thảo BLDS, thì vật quyền là toàn bộ các quy phạm pháp luật quy định về vật với tư cách là đối tượng của vật quyền, nội dung của các loại vật, quyền, căn cứ phát sinh, chấm dứt các loại vật quyền, nguyên tắc thực hiện, bảo vệ vật quyền, các hạn chế mà người có vật quyền phải tuân thủ khi thực hiện quyền năng của mình…
Như vậy, trong BLDS, thì toàn bộ phần “Tài sản và quyền sở hữu” tại BLDS hiện hành và phần “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” ở phần thứ II của Dự thảo BLDS chính là vật quyền./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com