Độc đáo tục muốn lấy vợ, phải vào chùa tu thân

(PLO) - Ngày cưới, bố chú rể vui chuyện buột miệng cho biết gia đình chưa kịp gửi con vào chùa. Nghe thấy thế, nhà cô dâu hốt hoảng, nằng nặc đòi hủy hôn, trả lại lễ vật, không chấp nhận chàng rể này...
Đám cưới người Khmer
Đám cưới người Khmer
Nhưng đôi trai gái lại yêu nhau tha thiết, khóc lóc thề thốt. Sau một hồi bàn bạc, trưởng tộc quyết định vì lỡ làm đám cưới nên hai người đã là vợ chồng, nhưng chú rể phải xin vào chùa hoàn thành việc tu học mới được… động phòng.
Muốn cưới vợ, phải tu thân 
Là một dân tộc lâu đời sống tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ, ngay từ xa xưa người Khmer đã xây dựng cho mình một nền văn hóa riêng biệt, độc đáo, bắt nguồn từ sự sùng đạo. Từ cuộc sống thường ngày đến các sự kiện trọng đại, dễ dàng có thể thấy được dấu ấn sâu đậm của đạo Phật, ngay cả trong đám cưới.
Theo tục lệ, trước khi có thể cưới vợ, nam thanh niên Khmer phải làm tròn đạo hiếu với chính bố mẹ ruột, tu thân học đạo lý trong chùa. Vì vậy mới có lệ trai trẻ chưa vào chùa tu không được công nhận là thanh niên trưởng thành, không thể lấy vợ, lập gia đình.
Đối với người Khmer, khi nam nữ kết hôn, sự chênh lệch tuổi tác, cấp bậc và địa vị xã hội không quan trọng bằng việc hai người có hợp tuổi và chú rể đã là “ông lục” (tên gọi những người xin làm sãi trong chùa) hay chưa. 
Truyền thuyết kể, có gia đình người Khmer cha mất sớm, mẹ làm nghề săn bắt giết hại nhiều thú rừng. Người con trai thấy vậy đã trốn đi tu mong giảm bớt tội lỗi cho mẹ. Về sau, người mẹ chết bị đày xuống địa ngục, nhờ công lao tu hành của đứa con mà tránh được mọi kiếp nạn. Chính vì thế, một người đi tu học không những cho bản thân mà còn làm tròn đạo hiếu, đền đáp cái ơn sinh thành, nuôi nấng vất vả của cha mẹ. 
Thường khi vừa đủ 12 tuổi, nam thiếu niên Khmer sẽ được gia đình chọn một ngày đẹp, dẫn lên chùa xin được theo học. Sau khi được nhận, họ sẽ trở thành các “ông lục”, ở hẳn trong chùa, học kinh kệ, lao động như các vị sư sãi khác. 
Những cậu bé còn đang tuổi đến trường còn được “ưu tiên” gửi đi học chương trình phổ thông ba buổi một tuần. Ngày rằm cuối tháng hoặc dịp lễ lớn, các “ông lục” còn phải để đầu trần, chân đất, ăn mặc giản dị đi khất thực bên ngoài. 
Thời gian tu tập thường là hai năm, sau đó nếu muốn, thanh niên có thể ở lại chùa tu hành. Ngày nay, thời gian tu học cũng được thay đổi linh hoạt, còn thêm các khóa một năm, một tháng hoặc vài ngày, để phù hợp với hoàn cảnh mỗi gia đình. 
Như một luật lệ bất thành văn, dù thời gian tu dài hay ngắn, nhưng nếu chưa từng trải qua thì con trai sẽ khó lấy vợ và bị xã hội xem thường. Những người như vậy, dù có cô gái nào một lòng một dạ yêu thương cũng bị gia đình nhà gái ra sức ngăn cản, buôn, sóc không thừa nhận. Nếu không thể xa rời nhau thì chỉ còn cách bỏ trốn đi nơi khác để sống với nhau. 
Ông Ân, một người dân Khmer sống tại Tây Ninh, kể lại câu chuyện xảy ra vài năm trước ngay tại chính gia đình mình. Cháu gái ông khi đến tuổi cập kê có dẫn về một thanh niên cũng người dân tộc Khmer nhưng ở vùng khác. 
Các “ông lục”
 
Các “ông lục”
Chàng trai về ngoại hình, học hành, công việc đều tốt, xem tuổi, thấy đôi trẻ hợp nhau nên bố mẹ cô gái liền ưng thuận. Đến ngày cưới, khi mọi thủ tục cần thiết đã xong xuôi, hai gia đình cùng ngồi ăn uống, vui chuyện, bố chú rể mới cho biết: Tuy là người Khmer nhưng do gia đình lúc trước khó khăn, con cái phải ở nhà phụ giúp cha mẹ, lớn lại đi học xa, nên chưa kịp gửi con vào chùa. 
Nghe thấy thế, nhà cô dâu hốt hoảng, nằng nặc đòi hủy hôn, trả lại lễ vật, không chấp nhận chàng rể này. Khổ nỗi đôi trai gái lại yêu nhau tha thiết, khóc lóc thề thốt. Sau một hồi bàn bạc, người trưởng tộc quyết định vì đã lỡ làm đám cưới nên coi như hai người đã là vợ chồng, nhưng vẫn phải hoãn chuyện động phòng để chú rể xin vào chùa một tháng, hoàn thành việc tu học mới được công nhận.
Lễ vật hoa cau
Trải qua thời gian và sự giao lưu văn hóa, phong tục cưới xin của người Khmer cũng thay đổi ít nhiều. Trước đây, người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên đám cưới chủ yếu được tổ chức tại nhà gái, do nhà gái toàn quyền quyết định, khác với bây giờ đã linh động “tham khảo” ý kiến của cả hai bên. Hiện nay, một lễ cưới thông thường cũng có các giai đoạn như ăn hỏi, làm lễ vu quy, rước dâu... không khác mấy so với đám cưới của người Kinh.
Là những người mộ đạo, trước khi đôi trẻ có ý định tiến đến hôn nhân, điều quan trọng đầu tiên của hai nhà là xem tuổi của chàng trai và cô gái cũng như ngày giờ kết hôn để đảm bảo cuộc sống gia đình thuận lợi sau này. Nếu chấp nhận những lễ thách của nhà gái, thường là bộ lễ vật theo số chẵn, bao gồm: Bốn nải chuối, bốn gói trà, bốn chai rượu, hai đùi heo và hai con vịt, sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, nhà trai sẽ tìm bà mối đến xin hỏi cưới. 
Đặc biệt lễ vật không thể thiếu buồng bông cau do đích thân anh, chị em ruột của chú rể bưng ra, để làm lễ cắt bông cau. Không có thứ lễ vật này coi như đám cưới chưa được công nhận. Mâm lễ bông cau gồm có ba bó, bó thứ nhất để tạ ơn dưỡng dục của cha, gồm 21 miếng cau và trầu; bó thứ hai dâng lên mẹ đã tạo nên cô dâu, gồm 12 miếng cau trầu; bó còn lại có 6 miếng cau trầu để cảm ơn anh chị em trong nhà. 
Tập tục trên xuất phát từ truyện cổ của người Khmer kể về mối quan hệ gắn bó nghĩa tình giữa các thành viên trong gia đình. Truyện kể ngày xưa, có bốn thanh niên là bạn thân thiết, mỗi người giỏi một lĩnh vực khác nhau: bói toán, bắn cung, bơi lặn và cải tử hoàn sinh. 
Một ngày đang dạo chơi, người thứ nhất cho biết sắp có con chim đại bàng cắp công chúa bay qua. Quả nhiên, ít phút sau, đại bàng bay đến, người thứ hai liền giương cung bắn, khiến công chúa rơi xuống biển, lập tức được người bơi giỏi lặn xuống cứu lên. Nhưng vào được bờ thì công chúa đã chết, may có người cuối cùng trổ tài cải tử hoàn sinh cứu sống được. 
Trước bốn vị cứu tinh, nhà vua đành phải gả công chúa cho người bơi giỏi vì đã chạm tay vào nàng. Những người còn lại đều trở thành người thân ruột thịt của công chúa, người xem bói là cha, người có công cứu mạng là mẹ, người bắn cung là anh chị trong nhà. Tất cả họ đều là một phần không thể thiếu, đã cho công chúa một cuộc sống mới. Vì vậy, muốn đón cô dâu về, chú rể phải có ba bó hoa cau để tri ân những người đã tạo ra, nuôi dưỡng nên cô dâu trưởng thành, xinh đẹp như hiện tại. 
Còn rất nhiều câu chuyện cho thấy sự sùng đạo, lòng tôn kính Phật pháp, trọng đạo lý của người Khmer. Trong suốt cuộc đời mỗi người đàn ông Khmer, ngày nhập chùa để cưới vợ sinh con trở thành mốc thời gian quan trọng. Vì thế, không phải ngẫu nhiên những ngày này thường được tổ chức vào sát Tết truyền thống, như một nét đẹp mang đậm bản sắc riêng của buôn sóc Khmer vào xuân.

Đọc thêm