Đại lý bị “truất quyền” phân phối sản phẩm Grobest: “Rất buồn trước kiểu bán hàng coi thường quyền lợi nông dân”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Như PLVN đã thông tin, mới đây Cty TNHH Grobest Industrial, địa chỉ số 9 đường 3A, KCN Biên Hòa 2, Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai, bị hộ kinh doanh Trần Ngọc Diễm (đại lý Phương Diễm, xã Hòa Tú 2, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) kiện đòi bồi thường trong vụ “Tranh chấp hợp đồng phân phối sản phẩm và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Vụ kiện do TAND huyện Mỹ Xuyên thụ lý, giải quyết.

Ai đứng sau các “chứng cứ vi phạm” không có thật?

Ngày 1/5/2021, Phương Diễm ký hợp đồng phân phối sản phẩm với Grobest để trở thành nhà phân phối cấp 1 với sản phẩm thức ăn nuôi tôm Grobest. Theo hợp đồng, Phương Diễm chỉ được phân phối sản phẩm trong phạm vi “khu vực kinh doanh” Chợ Kinh, Ngọc Đông, Hòa Tú, Cổ Cò, Thạnh Phú, Thạnh Quới, Ngọc Tố - Mỹ Xuyên.

Theo tìm hiểu, để kiểm soát vấn đề mỗi đại lý chỉ bán hàng cho nông dân tại một khu vực nhất định, trên mỗi bao bì sản phẩm, Grobest đều đóng một mã QR. Vì vậy với bất kỳ sản phẩm nào, Grobest sẽ biết được bao bì đó đã cung cấp cho đại lý nào vào ngày nào.

Chỉ trong chưa đầy nửa năm, Phương Diễm đã phân phối cho Grobest hơn 1.153 tấn thức ăn nuôi tôm, giá trị gần 35,5 tỷ đồng.

Bà Diễm cho rằng biết việc mã QR trên mỗi bao bì Grobest chứa thông tin đại lý; có đối tượng xấu đã mua hàng rồi cố tình quăng sang nơi khác, vu oan “Phương Diễm bán hàng xuyên vùng”.

Bà Diễm cho rằng biết việc mã QR trên mỗi bao bì Grobest chứa thông tin đại lý; có đối tượng xấu đã mua hàng rồi cố tình quăng sang nơi khác, vu oan “Phương Diễm bán hàng xuyên vùng”.

Theo đánh giá của nhiều người trong nghề, đó là một con số “trong mơ” với nhiều đại lý. Bán được nhiều hàng như vậy, không chỉ vì Phương Diễm rất có uy tín với nông dân nuôi tôm, có duyên bán hàng, mà còn nhờ biết đặt cửa hàng tại khu vực “thủ phủ” nuôi tôm của Sóc Trăng.

Việc hợp tác giữa hai bên suôn sẻ tốt đẹp, nhưng hơn tháng sau khi ký hợp đồng, ngày 22/6/2021, Grobest có văn bản cho rằng Phương Diễm “bán hàng xuyên vùng” cho Đại lý Ngọc Duyên (phường 1, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng); yêu cầu Phương Diễm “chấm dứt việc bán hàng xuyên vùng”.

Ngày 3/12/2021, Grobest lại có thông báo cho rằng ngày 30/10/2021 phát hiện Phương Diễm “bán hàng xuyên vùng” cho đại lý Cô Tải “tại ấp Thào Lạng, Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu”.

Ngày 15/12/2021, Grobest có văn bản thông báo không tiếp tục hợp đồng với hộ Phương Diễm, “hợp đồng sẽ chấm dứt vào 31/12/2021”.

Trong khi đó, Phương Diễm khẳng định “không bán hàng xuyên vùng” cho đại lý Ngọc Duyên và Cô Tải như thông báo của Grobest. Phương Diễm khẳng định chỉ bán hàng trực tiếp tại cửa hàng cho nông dân nuôi tôm trong khu vực mà hợp đồng đã quy định. “Nếu ai đó muốn “chơi xấu”, họ có thể đến mua hàng, mang đi ném ở bất kỳ đâu đó rồi vu oan Phương Diễm “bán hàng xuyên vùng”. Mỗi tháng bán gần 200 tấn, Phương Diễm dù có “3 đầu 6 tay” cũng không thể vác từng bao thức ăn tới đổ tận ao nuôi tôm cho từng người mua để đảm bảo không có bao hàng nào lọt sang vùng khác. Tôi cho rằng có ai đó cạnh tranh không lành mạnh, ngụy tạo chứng cứ, vu oan Phương Diễm, để Cty Grobest hiểu nhầm”, bà Diễm nói.

Nhận định trên của Phương Diễm là có căn cứ, khi theo xác minh của PLVN, chứng cứ “vi phạm” trong vụ này không có thật. Cửa hàng thuốc thủy sản Ngọc Duyên (phường 1, TX Vĩnh Châu) khẳng định chưa khi nào giao dịch, làm việc gì với Phương Diễm hay Grobest; chỉ phân phối, bán các loại thuốc thủy sản, không bán thức ăn nuôi tôm Grobest.

Tại ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, không có “đại lý Cô Tải”. Chỉ ở ấp An Trạch Đông cạnh đó có Cô Tải. “Cô Tải” ở đây là bà Hứa Thị Linh, chủ cửa hàng thức ăn nuôi tôm “Tải Linh”, khẳng định từ tháng 4/2021 đến nay không mua bán sản phẩm của Grobest với Phương Diễm.

Hệ lụy không nhỏ

Phương Diễm cho hay, sự việc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín danh dự các bên như vậy, nhưng những người có thẩm quyền của Grobest không đến nơi tìm hiểu sự việc, gặp gỡ, làm rõ vấn đề, mà lại ra các văn bản quyết định vội vã áp đặt; “nên tôi buộc phải khởi kiện bảo vệ uy tín danh dự, quyền lợi của các đại lý, bảo vệ quyền lợi các hộ dân nuôi tôm”.

Trong đơn khởi kiện, đại lý Phương Diễm nêu: “Ngay khi Grobest có thông báo Phương Diễm “bán hàng xuyên vùng”, chúng tôi đã có nhiều văn bản giải trình, đề nghị Grobest tiếp tục giao hàng, cung cấp chứng cứ chứng minh chúng tôi “bán hàng xuyên vùng”. Phía Grobest vẫn không gặp gỡ để cùng chúng tôi xác minh, đối chất các bên nhằm làm rõ có hay không việc chúng tôi “bán hàng xuyên vùng” và từ chối cung cấp hàng hóa”.

Bà Diễm cho rằng hậu quả sự việc rất nặng nề: “Các hộ nuôi tôm thỏa thuận với Phương Diễm nhận thức ăn về nuôi, cuối vụ mới trả tiền. Nhưng tôm chưa thu thì Phương Diễm bị Grobest từ chối cung cấp hàng. Con tôm đang ăn loại thức ăn đó, không thể đổi thức ăn hãng khác, nên các hộ buộc phải mua ở đại lý khác. Một số hộ cho rằng Phương Diễm thiếu trách nhiệm trong bán hàng nên chưa trả tiền, lên tới nhiều tỷ đồng”.

TAND huyện Mỹ Xuyên đã thụ lý vụ kiện Phương Diễm với Grobest.

TAND huyện Mỹ Xuyên đã thụ lý vụ kiện Phương Diễm với Grobest.

Theo Phương Diễm, còn một hệ lụy khác quan trọng hơn, là uy tín danh dự gầy dựng hàng chục năm mới có. “Với nông dân chúng tôi, có thể chỉ một lần mất tin là vạn lần mất tín. Dù sự thật là chúng tôi không vi phạm; nhưng nghe tin Grobest đưa ra thông báo chúng tôi vi phạm bán hàng xuyên vùng, rồi cắt hàng… không ít hộ nuôi tôm xì xào nghi ngại Phương Diễm”.

Theo đơn khởi kiện, Phương Diễm yêu cầu Grobest bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự là 10 tỷ; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo mức phạt 8% là hơn 2,57 tỷ; bồi thường do mất thu nhập chiết khấu bán hàng 4 tỷ.

Trả lời về việc vì sao đã ký biên bản thanh lý hợp đồng nhưng vẫn khởi kiện đòi bồi thường, Phương Diễm nói: “Ngày 15/12/2021, Grobest có thông báo sẽ không gia hạn hợp đồng. Khi hợp đồng không được gia hạn thì sẽ chấm dứt và phải thanh lý để tính toán công nợ. Do Grobest không gia hạn, Phương Diễm phải thanh lý mới nhận được tiền hoa hồng. Còn việc khởi kiện là đòi bồi thường trong quá trình còn thời hạn hợp đồng nhưng Grobest đưa ra chứng cứ ngụy tạo không giao hàng dẫn đến thiệt hại cho Phương Diễm. Trong đơn khởi kiện nêu rõ, thời gian bị thiệt hại từ 23/11 - 31/12/2021”.

“Ngày 23/11/2021, Phương Diễm chưa nhận được bất cứ thông báo nào của Grobest về việc ngưng giao hàng; nhưng Grobest không giao hàng là vi phạm hợp đồng. Ngày 3/12/2021, Grobest mới có thông báo ngưng giao hàng nhưng lại ghi “lùi” thời gian từ 23/11/2021, nên văn bản này không có giá trị về thời gian ngừng giao hàng. Ngoài ra, văn bản ngày 3/12/2021 Grobest còn nêu “sẽ không chi trả chiết khấu với những đơn hàng phát sinh sau ngày 23/11/2021”. Như vậy, văn bản có sự mâu thuẫn và chúng tôi được nhận hàng sau ngày 23/11/2021, nhưng thực tế Grobest không cho nhận hàng là vi phạm hợp đồng, không đúng nội dung thông báo. Chúng tôi rất buồn trước cách làm việc mâu thuẫn, kiểu bán hàng coi thường nhà phân phối và quyền lợi người nuôi tôm như vậy”.


Ngày 14/3/2022, Phương Diễm khởi kiện bổ sung, yêu cầu bồi thường 9,1 triệu đồng tiền thuê xe tải từ Sóc Trăng đến Biên Hòa (Đồng Nai) để nhận hàng nhưng bị từ chối giao hàng.

Theo đó, ngày 23/11/2021, Phương Diễm đặt và chuyển tiền cho 2 đơn hàng. Lúc này, Grobest chưa thông báo ngừng giao hàng. Nhưng khi Phương Diễm cho xe tải đến Biên Hòa nhận hàng thì bị từ chối, phải về xe không.

Ngày 16/12/2021, Phương Diễm (khi chưa hết hợp đồng) đặt và trả tiền đủ cho 24,5 tấn hàng. Khi thuê xe đến nhận hàng cũng bị từ chối, lại phải về xe không.

Đọc thêm