Nghị định số 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể quy định của Luật Nuôi con nuôi về hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để đảm bảo tách bạch giữa hỗ trợ nhân đạo với việc cho nhận con nuôi.
Kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi đến nay, hoạt động hỗ trợ nhân đạo hầu như chỉ phát sinh dưới hình thức tặng cho đối với cơ sở nuôi dưỡng trẻ em. Trong khi đó, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về cơ chế tặng cho, cơ chế theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền đối với việc tặng cho của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi nước ngoài đối với cơ sở nuôi dưỡng, dẫn đến sự không minh bạch tài chính.
Ngoài ra, mức độ các khoản tặng cho sau khi nhận con nuôi rất cao, dẫn đến nhiều địa phương chỉ muốn giới thiệu trẻ em cho làm con nuôi nước ngoài, xao nhãng việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước.
Vì vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng quy định rõ việc hỗ trợ nhân đạo đối với cơ sở nuôi dưỡng dưới 2 hình thức là viện trợ và tặng cho trực tiếp, quy định rõ cách thức thực hiện, trách nhiệm báo cáo, theo dõi và xử lý việc tiếp nhận, sử dụng trái pháp luật đối với khoản hỗ trợ nhân đạo. Hiện nay, hoạt động viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận để thực hiện các mục tiêu phát triển và nhân đạo dành cho Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
Theo đó, các hoạt động viện trợ vì mục đích nhân đạo được thực hiện thông qua các chương trình, dự án hoặc phi dự án. Một số ý kiến cho rằng, hoạt động hỗ trợ của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi nước ngoài cũng là một loại hỗ trợ nhân đạo nên không cần có quy định đặc thù, mà thực hiện chung theo quy định tại Nghị định số 93/2009/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng do thủ tục thực hiện hỗ trợ nhân đạo dưới hình thức viện trợ theo quy định tại Nghị định số 93/2009/NĐ-CP hết sức phức tạp, không phù hợp với tính chất đặc thù trong lĩnh vực nuôi con nuôi là các khoản hỗ trợ nhỏ lẻ và lặp lại nhiều lần nên thực tế hầu như không phát sinh các khoản viện trợ này, mà lại phát sinh các khoản tặng cho đối với cơ sở nuôi dưỡng trẻ em. Vì vậy, cần có quy định đặc thù trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Bộ Tư pháp thấy rằng trong điều kiện kinh phí nhà nước trang trải cho hoạt động của cơ sở nuôi dưỡng còn hạn chế thì việc tặng cho của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi nước ngoài đối với cơ sở nuôi dưỡng trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cải thiện cơ sở vật chất của cơ sở nuôi dưỡng.
Đây là vấn đề phát sinh trên thực tiễn, cần có quy định pháp luật điều chỉnh để đảm bảo việc tặng cho được thực hiện minh bạch, tạo sự tin tưởng về con nuôi của các nước đang có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định như trong dự thảo Nghị định.
Bàn về vấn đề này, đại diện Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp cho rằng Dự thảo Nghị định cần phân biệt rõ việc tặng cho bằng hiện vật để làm kỷ niệm khác với tặng cho tiền cơ sở nuôi dưỡng, trong đó cần khẳng định rõ tinh thần tặng cho sẽ không làm ảnh hưởng đến việc nhận con nuôi. Cùng với đó, cần quy định rõ cách thức thực hiện, trách nhiệm báo cáo, theo dõi và xử lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản tặng cho này.
Đồng tình quan điểm, đại diện Bộ Tài chính và đại diện Vụ Pháp luật quốc tế đều nhấn mạnh phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc tặng cho để hình thức này không bị biến tướng vì thực tế có nhiều trường hợp tìm mọi cách đưa tiền, tài sản trái pháp luật để nhận con nuôi với mục đích không chính đáng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh Dự thảo Nghị định cần đặt trẻ em là trung tâm của chính sách để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em, đồng thời phải khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc không gắn vấn đề tài chính với vấn đề nhận nuôi con nuôi để tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng vào mục đích riêng trong việc tặng, cho tiền, tài sản.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh theo dõi, kiểm tra và quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo, các khoản tặng cho trực tiếp cho các cơ sở nuôi dưỡng. Về vấn đề hỗ trợ nhân đạo, Ban soạn thảo cần lấy ý kiến chuyên môn của các bộ, ngành để làm rõ nội dung này gồm những quy định cụ thể nào để tránh trùng lặp.