Dân cư khổ vì…khai thác đá

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (Bình Định) phải “sống chung” với tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và luôn bất an, lo lắng với hiện tượng sạt lở đất, đá do hoạt động khai thác đá tại khu vực này gây ra.

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (Bình Định) phải “sống chung” với tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và luôn bất an, lo lắng với hiện tượng sạt lở đất, đá do hoạt động khai thác đá tại khu vực này gây ra.

Nhiều diện tích trên đỉnh núi An Trường đã bị húi trọc, chỉ còn trơ lớp đất, đá màu đỏ

Mỏ đá An Trường của Cty TNHH Hoàn Cầu Granite (Cty Hoàn Cầu) hình thành tại khu vực núi An Trường (thuộc địa bàn xóm Hoàn Tượng A, thôn Thọ Tân Bắc) cách đây khoảng hơn 10 năm. Và cũng từng ấy thời gian, hàng chục hộ dân nơi đây phải “sống chung” với tình trạng ÔNMT; cũng như tâm trạng bất an, lo lắng do hoạt động khai thác đá tại khu vực này gây ra.

Theo trình bày của hơn 10 hộ gia đình có nhà ở gần mỏ đá An Trường: Mỗi khi chủ mỏ bắn mìn phá đá, tiếng nổ vang động cả một khu vực rộng lớn, khiến nhà cửa của họ bị rung động, làm nứt vách, nứt nền. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoạt động khai thác đá, tại khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, đá; đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của nhiều người dân sống lân cận. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở tại khu mỏ còn kéo theo việc một số diện tích đất nông nghiệp của người dân bị bồi lấp, ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác. “Vào những lúc mưa lũ kéo dài, hàng chục khối đất, đá từ trên cao sạt xuống, gây ra tiếng động lớn và rung chấn mạnh cả một khu vực. Có những đêm, khi người dân đang ngủ thì bỗng nghe tiếng đá lăn ầm ầm từ trên núi xuống làm họ hoảng loạn bật dậy chạy ra khỏi nhà. Chính tình trạng này khiến người dân nơi đây lo lắng, bức xúc nên nhiều lần gửi đơn tới các cấp chính quyền xin cứu xét, giúp đỡ” - ông Trần Ngọc Vinh, Trưởng thôn Thọ Tân Bắc, cho biết.

Theo lời khẩn cầu của người dân địa phương, chúng tôi có chuyến thực địa về thôn Thọ Tân Bắc để nắm bắt tình hình. Từ phía Quốc lộ 19 nhìn vào, chúng tôi thấy một mảng lớn của núi An Trường đã bị húi trọc; màu đất đỏ nổi bật trên nền thảm xanh của cây rừng. Càng vào gần khu mỏ đá, cảnh tượng tan hoang của núi An Trường càng rõ ràng hơn; những bãi đất trống có diện tích hàng trăm mét vuông xuất hiện trên đỉnh núi khiến cảnh quan môi trường và hệ sinh thái của núi rừng nơi đây bị biến dạng. Hàng ngàn khối đất, đá từ đỉnh núi đổ xuống, qua thời gian, lượng đất, đá này lắng đọng thành bãi bùn kéo dài từ khu khai thác đá tới tận sông An Tượng, khiến thảm thực vật xung quanh bị hư hại hoàn toàn.

Chưa hết, trong quá trình Cty Hoàn Cầu vận chuyển lượng bùn, đất bồi lấp ở mỏ đá để đến đổ tại Cụm công nghiệp Gò Sơn còn gây ra tình trạng ÔNMT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của nhiều hộ gia đình có nhà nằm ở mặt tiền tuyến đường Lâm Lộ - An Trường. Theo ông Trần Ngọc Vinh: “Khi tập kết tại mỏ đá An Trường để lấy đất, bánh của những chiếc xe chở đất bám đầy bùn nhão. Trong quá trình lưu thông trên đường, lượng bùn, đất từ bánh xe rơi vãi khắp nơi, tạo ra lớp đất dày trên mặt đường. Những lúc trời nắng, mỗi khi có xe chạy trên đường, lớp đất dày này là tác nhân chính gây ra bụi bặm bay tung tóe khắp nơi, bám đầy nhà cửa và các vật dụng trong nhà.

Còn vào những khi trời mưa, lớp đất này biến thành lớp bùn nhão nhoét, gây nhiều khó khăn, nguy hiểm cho người và các phương tiện khi lưu thông trên đường”. Ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết: “Trước thực trạng trên, chúng tôi đã mời đại diện Công ty Hoàn Cầu tới làm việc và đề nghị có biện pháp khắc phục. Phía Công ty đã hứa khắc phục nhưng thực tế chỉ làm để đối phó nên tình trạng ÔNMT tại khu vực mỏ đá và các vùng dân cư lân cận vẫn còn khá nan giải. Về mặt địa phương, chúng tôi mong muốn các cấp chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý và yêu cầu Cty Hoàn Cầu khắc phục đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do hoạt động khai thác đá gây ra”.

C.MINH

Đọc thêm