Có việc giả mạo chữ ký?
Năm 2003, 32 hộ dân xã Đào Mỹ cho Công ty Anh Đào thuê gần 1ha đất lúa để làm xưởng gỗ với thời hạn là 10 năm (giá 5 triệu đồng/10 năm). Đến năm 2013, khi hết thời hạn thuê đất thì người dân ngỡ ngàng khi biết toàn bộ số đất ruộng mà mình cho thuê đã được UBND huyện Lạng Giang chuyển quyền sử dụng cho ông Dương Văn Đào (Giám đốc Công ty Anh Đào) để xây dựng cơ sở sản xuất gỗ.
Trong hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp này có rất nhiều giấy tờ, tài liệu như giấy xin trả lại ruộng của người dân, giấy chuyển nhượng đất của các hộ gia đình cho Công ty Anh Đào… nhưng nhiều hộ dân khẳng định họ không hề ký vào những tờ giấy này.
Bà Nguyễn Thị Bích (một người dân từng cho Công ty Anh Đào thuê đất) cho biết, vợ chồng bà không hề ký vào đơn xin trả lại đất nông nghiệp cho xã và cũng chưa bao giờ ký vào đơn chuyển nhượng đất nông nghiệp cho Công ty Anh Đào. Thế nhưng trong tập hồ sơ cấp đất cho Công ty Anh Đào, bà Bích lại nhìn thấy giấy chuyển nhượng đất, giấy xin trả lại ruộng có chữ ký của họ.
Lâm vào hoàn cảnh tương tự như bà Bích, ông Dương Quang Thiết (người dân xã Đào Mỹ) cho biết: “Thời điểm được coi là Công ty Anh Đào nhận chuyển nhượng đất thì tôi đang làm ăn ở Hà Nội nên không thể có chữ ký của tôi trong giấy chuyển nhượng được. Bản thân tôi đã nhiều lần đề nghị các cơ quan pháp luật cho giám định chữ ký để làm sáng tỏ ai là người đã ký vào giấy này nhưng sự việc không được làm rõ”.
Một số giấy chuyển nhượng khác tuy chỉ có chữ ký của một người (vợ hoặc chồng) nhưng không hiểu sao vẫn được Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lạng Giang làm thủ tục chuyển nhượng.
“Sau khi phát giác sự việc, chúng tôi đã gửi đơn đến nhiều cấp chính quyền huyện, tỉnh Bắc Giang và Công an tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đã 2 năm nay sự việc vẫn không được giải quyết dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Người dân cũng vô cùng mệt mỏi” - bà Bích nói.
Quy trình “siêu tốc”
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong ngày 29/12/2003, UBND huyện Lạng Giang vừa có văn bản đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch một khu đất từ đất lúa chuyển sang đất sản xuất khu xưởng gỗ cho Công ty Anh Đào, vừa có quyết định thu hồi đất của 32 hộ dân xã Đào Mỹ đang sử dụng, vừa có quyết định giao gần 1ha đất nông nghiệp cho Cty Anh Đào mặc dù chưa tiến hành thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đáng nói hơn, 32 hộ dân xã Đào Mỹ mất đất đều không hề biết gì về các chủ trương, văn bản “siêu tốc” trong vòng 1 ngày như trên.
Theo người dân, ông Dương Văn Đào một mặt đến từng hộ thỏa thuận xin thuê đất trong 10 năm để làm xưởng gỗ, mặt khác thì giấu người dân để làm thủ tục xin hợp thức hóa khu đất này với danh nghĩa là một dự án phát triển kinh tế.
Không giám định chữ ký vẫn cho rằng “làm đúng”
Trả lời phóng viên về những bất thường trong hồ sơ chuyển nhượng đất của ông Đào nêu trên, ông Lê Phú Sơn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Lạng Giang vẫn khăng khăng khẳng định toàn bộ giấy tờ chuyển nhượng trên là giấy tờ thật.
Sau khi người dân khiếu nại, lãnh đạo huyện Lạng Giang đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng đơn khiếu nại của người dân là không đúng sự thật. Theo báo cáo này, ngày 18/8/2003 Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang có văn bản chấp thuận dự án đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc dân dụng cho ông Dương Văn Đào tại khu vực Vườn Nứa, thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ với tổng diện tích 7.200m2.
UBND huyện Lạng Giang đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của huyện kiểm tra, thẩm định về hồ sơ thu hồi đất nông nghiệp, phương án bồi thường, GPMB do xã Đào Mỹ và ông Dương Văn Đào thiết lập. Ngày 23/12/2003, huyện Lạng Giang đã ban hành quyết định bồi thường và GPMB 7.200m2 đất.
Ngay sau đó, ngày 29/1/2004 huyện ra quyết định thu hồi 7.200m2 đất nông nghiệp giao 20 năm của 32 hộ gia đình để chuyển mục đích sử dụng cho ông Đào thuê xây dựng cơ sở chế biến gỗ. Đồng thời, cũng trong ngày 29/1/2004, huyện Lạng Giang đã ra văn bản phê duyệt cho ông Dương Văn Đào thuê đất với thời hạn 35 năm để xây dựng xưởng gỗ.
Đến năm 2006, ông Dương Văn Đào đã có đơn đề nghị huyện Lạng Giang chấp thuận mở rộng quy mô dự án với diện tích 6.000m2 (khu đất liền kề với khu đất đã được huyện cho thuê 35 năm). Huyện Lạng Giang đã thực hiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp giao 20 năm của các hộ dân theo quy định.
Toàn bộ hồ sơ nhận chuyển nhượng đã được Phòng TN&MT kiểm tra, thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục. Ông Dương Văn Đào đã được huyện Lạng Giang cho thuê tổng diện tích đất 13.200m2 để xây dựng cơ sở chế biến gỗ.
Tại sao một quy trình tưởng chừng chặt chẽ, liên quan đến mấy chục hộ dân như thế mà các hộ dân không hề hay biết? Hồ sơ chuyển nhượng chỉ có chữ ký của một người (bên bán) nhưng vẫn được cho phép, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai cho rằng “không có vấn đề gì lớn”?
Thậm chí, ngay cả khi người dân yêu cầu huyện cho giám định lại chữ ký trong một số đơn xin trả lại ruộng nhưng chính quyền huyện Lạng Giang không thực hiện? Đây là những nghi vấn cần tiếp tục được làm sáng tỏ.