Việc nợ nần giữa ông Đoan và ông Sơn có đúng như nội dung ghi trên tấm băng rôn trên và vì sao ông Đoan lại bị nêu tên như vậy?.
Trước đó, Báo PLVN đã thông tin về việc ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT KVS có đơn tố cáo nguyên Tổng Giám đốc KVS Nguyễn Việt Hải và trợ lý HĐQT Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là thành viên HĐQT) đã có hành vi “rút ruột” Cty với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã thụ lý hồ sơ và tiến hành xác minh.
Ngoài chuyện “rút ruột” thì ông Sơn còn cho rằng ông Hải nghỉ việc để cố tình gây khó khăn cho Cty trong việc thu hồi nợ của một số đối tác, trong số đó có ông Cao Tiến Đoan - Tổng Giám đốc Cty Bất động sản Đông Á (Cty Đông Á) - người bị nêu tên tại băng rôn dán hông xe ô tô.
Việc nợ nần phát sinh từ Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01/HĐTƯVĐT/KVS- ĐA/2011 (ngày 20/12/2011) với nội dung: Công ty KVS (do ông Nguyễn Việt Hải - khi đó là quyền Tổng Giám KVS đại diện) ứng vốn 25 tỷ đồng cho Cty Đông Á để Cty này hoàn thiện và đưa vào kinh doanh Dự án khu Resot - khu cầu Bình Hòa, Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Thời hạn Cty Đông Á phải hoàn lại vốn và lợi nhuận là 10 tháng kể từ ngày được giải ngân.
Theo ông Sơn, Cty Đông Á đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng khi liên tục vi phạm thời hạn thanh toán tiền vốn và lợi nhuận cho Cty KVS. Hợp đồng thể hiện số tiền 25 tỷ đồng dùng đầu tư vào Dự án khu Resot khu cầu Bình Hòa, Quảng Châu, Quảng Xương nhưng thực tế thì khu này là nhà ở của vợ chồng ông Đoan chứ không phải khu Resot.
Liên quan đến hợp đồng bảo đảm cho khoản ứng vốn trên cũng có nhiều bất minh.
Một ngày sau khi ký hợp đồng vay vốn thì ông Đoan có ký một văn bản ủy quyền cho ông Nguyễn Việt Hải được chuyển nhượng, thế chấp nhà đất tại thôn Châu An, Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa (Giấy CNQSDĐ số AB 105409) nhằm đảm bảo cho Hợp đồng tạm ứng số 01 ký ngày 20/12/2011 (hợp đồng được chứng nhận bởi Công chứng viên Mai Trọng Bạo, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thanh Hóa).
Đáng nói ở chỗ, giữa ông Hải và ông Đoan lại không hề tồn tại quan hệ ứng vốn. Tức là, đáng lẽ văn bản ủy quyền định đoạt nhà đất phải được ký dưới danh nghĩa của hai pháp nhân với nhau thì lại được ký dưới danh nghĩa của hai cá nhân. Đồng nghĩa với việc KVS không được định đoạt nhà đất của vợ chồng ông Đoan.
Nhận thấy sự sai sót và bất hợp lý này, ông Sơn đã nhiều lần đề nghị ông Đoan làm thủ tục hủy ủy quyền và chuyển sang cho một đại diện hợp pháp khác của KVS. Nhưng ông Đoan và Công chứng viên Mai Trọng Bạo yêu cầu ông Hải phải có mặt mới thực hiện ủy quyền.
Luật sư Nguyễn Tố Loan, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà An, Hà Nội cho hay, theo quy định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự thì: “Trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, với điều kiện báo trước cho bên được ủy quyền biết một thời gian hợp lý”. Như vậy, ông Đoan hoàn toàn có thể thực hiện chấm dứt việc ủy quyền mà không cần ông Hải phải có mặt, đồng ý hay không.
Quy định như vậy nhưng ông Đoan vẫn không chịu chấm dứt ủy quyền, cũng không trả tiền cho KVS với lý do “ông Hải vẫn là người nắm giữ tài sản đảm bảo của Hợp đồng”. Chính vì vậy, ông Sơn cho rằng ông Hải, ông Đoan đã thông đồng với nhau để Cty Đông Á chiếm dụng tiền của KVS.
LS Nguyễn Tố Loan cho hay: “Nếu Cty Đông Á vẫn không chịu thanh toán thì KVS có quyền khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Thậm chí, có thể đề nghị cơ quan điều tra khởi tố ông Cao Tiến Đoan- Giám đốc Cty Đông Á vì có dấu hiệu “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com