Đang xem xét nâng mức cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng  nhà ở giai đoạn 2021-2025 theo hướng nâng mức cho vay và có hỗ trợ trực tiếp một phần từ ngân sách Trung ương.

Theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg) thì hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định này có nhu cầu vay vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Mức vay tối đa là 25 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm; thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. 

Bên cạnh mức cho vay ưu đãi nêu trên thì còn có sự tham gia đóng góp của gia đình, dòng họ và cộng đồng để các hộ gia đình có thể xây dựng một ngôi nhà có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ trên 10 năm, có giá thành xây dựng khoảng 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg cũng quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương chủ động cân đối, bố trí một phần ngân sách cũng như kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tham gia để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, nêu cao tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Ngoài ra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Theo số liệu Bộ Xây dựng cung cấp, Chương trình hỗ trợ này được thực hiện đến hết năm 2020 và đã hỗ trợ được 117.624 hộ nghèo trong tổng số 236.477 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), đạt tỷ lệ khoảng 50%. 

Căn nhà của chị Đinh Thi Thúy (thôn Khòn Cháo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) được xây dựng từ nguồn vốn vay theo Quyết định 33. Ảnh: Báo Lạng Sơn.
Căn nhà của chị Đinh Thi Thúy (thôn Khòn Cháo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) được xây dựng từ nguồn vốn vay theo Quyết định 33. Ảnh: Báo Lạng Sơn. 

“Kết quả đạt được còn thấp chủ yếu là do mức vay 25 triệu đồng được quy định từ năm 2015 đến nay đã không đủ để người dân làm nhà. Đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa có địa hình phức tạp, khó khăn do chi phí nhân công, vận chuyển vật liệu cao... dẫn đến giá thành xây dựng nhà ở tăng cao từ 2 đến 3 lần so với mức được vay”, Bộ Xây dựng nhận định.

Một trong những nguyên nhân chương trình này đạt kết quả còn chừng mực như trên, là do chương trình cũng không còn khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương nên không hấp dẫn được người dân tham gia như giai đoạn 1 (giai đoạn thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ).

“Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng nhìn chung, kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như làm thay đổi diện mạo nông thôn. Chính sách này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của đa số các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Chính vì thế, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 750/VPCP-CN ngày 29/01/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao:“Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với thực tế triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Sau đó, tại văn bản số 2170/VPCP-CN ngày 30/3/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã  giao: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp  các bộ và địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước”.

Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, hiện nay Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng  nhà ở giai đoạn 2021-2025 theo hướng nâng mức cho vay và có hỗ trợ trực tiếp một phần từ ngân sách Trung ương để tăng tính hấp dẫn, khả thi cho các chương trình, giúp các hộ nghèo có chỗ ở an toàn, ổn định, nhất là đối với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đọc thêm