Dấu ấn 5 năm
So với khi bắt đầu triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW - năm 2014, quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, chất lượng tín dụng được đảm bảo, với 18 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, tăng 6 chương trình.
Bên cạnh các chủ trương chính sách của trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù riêng của tỉnh, đồng thời bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện như ngoài việc được hỗ trợ cơ sở vật chất, những hộ ra sinh sống lâu dài tại Đảo Trần (huyện Cô Tô), các hộ dân còn được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách tối đa 110 triệu đồng/hộ để đầu tư hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản giúp các hộ yên tâm sinh sống trên đảo.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hộ nghèo ngoài được vay nguồn vốn trung ương còn được vay nguồn vốn địa phương tối đa 25 triệu đồng/hộ với lãi suất 0%. Song hành với việc ban hành chính sách, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 312 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH tỉnh triển khai cho vay, tăng 275,8 tỷ đồng (gấp 8,6 lần) so với trước khi triển khai Chỉ thị 04. Ngoài ra, tỉnh cũng đã quan tâm bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất và tạo mọi điều kiện cho NHCSXH hoạt động.
Trong 5 năm, với nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, NHCSXH đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho 182.625 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền trên 6.066,9 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với các nguồn lực khác của tỉnh đã góp phần giúp cho Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Quảng Ninh có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên ở miền Bắc, huyện đảo đầu tiên đạt chuẩn NTM... Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP là thương hiệu riêng của Tỉnh được Trung ương chọn làm điểm để nhân rộng toàn quốc. Diện mạo đô thị ngày càng văn minh hiện đại, khu vực nông thôn ngày càng đổi mới khang trang sạch sẽ.
“Có được kết quả trên là sự chung sức đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và đặc biệt là vai trò trách nhiệm của NHCSXH trong tham mưu tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trong những năm qua” – đại diện tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Trong Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đại diện tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm. Theo đó, trước tiên, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, từ đó thống nhất chỉ đạo, triển khai kịp thời, đồng bộ nhất quán từ tỉnh đến cấp cơ sở đồng thời hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động phục vụ tốt các đối tượng chính sách theo chỉ định.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện các cấp trong việc giám sát, lồng ghép việc triển khai tín dụng chính sách với các mô hình, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền gắn với công tác tập huấn, giám sát và kiểm tra đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác vốn vay, phát huy thế mạnh hoạt động hội trong tuyên truyền, phản biện xã hội.
Đồng thời, NHCSXH chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội; tổ chức thực hiện tốt các mặt hoạt động nghiệp vụ đảm bảo đúng quy định, duy trì điểm giao dịch xã hiệu quả. Phối hợp với cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức triển khai có hiệu quả tín dụng chính sách, quan tâm tập trung nguồn lực cho các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Một kinh nghiệm khác là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác qua đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc ngay từ cấp cơ sở khi có phát sinh. Ngoài ra, cần coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, cần có hình thức tuyên truyền phù hợp để người dân biết, hiểu về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2015-2020 đã có trên 25 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,56% năm 2015 dự kiến năm 2020 chỉ còn 0,4%.
Cùng với công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo được triển khai đồng bộ, qua đó nhiều địa phương khó khăn (huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà...) nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo viết đơn tự nguyện xin ra hỏi diện nghèo, đến nay đã có 478 hộ gia đình đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.