Danh thắng Đầm Ô Loan bị xâm hại nghiêm trọng

(PLO) - Là danh thắng cấp quốc gia với vẻ đẹp đã đi vào thơ ca, thế nhưng giờ đây, đầm Ô Loan đang bị hủy hoại từng ngày bởi việc lấn chiếm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân là do công tác quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra của chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan
Di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan

Huyền thoại về tên gọi đầm Ô Loan

Nằm ngay dưới chân đèo Quán Cau, đầm Ô Loan (nằm trên địa bàn 5 xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải, An Ninh Đông, thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) hiện ra mênh mông như để thu hết tầm mắt khách đường tuyến bắc - nam.

Đó là bức tranh toàn cảnh đầm, với mặt hồ rộng, từng làn sóng gợn lăn tăn theo gió. Đây cũng là nơi trú ngụ của các loài chim như le le, bồ nông, cò, vịt… Sự đa dạng chủng loại này đã tạo ra một quần thể động vật phong phú ở đầm Ô Loan.

Nếu nhìn về hướng núi Từ Bi sẽ thấy một doi đất chảy ra đầm Ô Loan như một con chim hạc vừa dang đôi cánh rộng vừa cuối đầu xuống mặt hồ nước uống. Núi Từ Bi là nhánh nhỏ của đèo Quán Cau, phía dưới có con suối cùng tên chảy ngoằn ngoèo qua các con suối rồi chảy ra đầm trông rất lạ mắt. Còn trên bản đồ, đầm Ô Loan lại giống như con thiên nga đang thong thả bay.

Trong dân gian có nhiều huyền thoại về tên gọi đầm Ô Loan, nhưng gần gũi nhất là câu chuyện về nàng Loan và chim Ô thước đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác.

Dân gian kể lại rằng, ngày xưa có nàng tiên trên trời rất xinh đẹp tên Loan nhưng tính tình hay tinh nghịch. Một ngày nọ nàng Loan mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát.

Vậy nên khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay, do đó phải hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi. Sau này, mượn tên chim Ô thước của nàng Loan ghép chung với tên nàng, gọi là Ô Loan để đặt tên cho đầm.

Một di bản khác cũng giống như câu chuyện này nhưng chi tiết được thêm thắt nên câu chuyện có một vài thay đổi. Theo đó, nàng Loan vốn là tiên nữ trên trời, nàng thích ngao du sơn thuỷ để nhìn ngắm cảnh đẹp sông nước, núi non. Một ngày kia, nàng Loan cỡi con chim quạ bay ngang qua đất Phú Yên thì nhìn thấy một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú đang cuốc đất khẩn hoang trồng cây lương thực. 

Nàng cho quạ hạ cánh xuống gần đó và núp trong bụi cây quan sát. Càng nhìn, lòng nàng càng vương vấn. Càng ngắm nàng càng thấy mình không thể rời xa chàng được nữa. Thế là nàng Loan quyết định ở lại cõi hồng trần, xe duyên kết tóc với chàng thanh niên nọ, ra sức khai phá đất đai, lập nên đất Tuy An, rồi sinh con đẻ cái.

Những truyền thuyết, huyền thoại về một vùng đất sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn và vẻ đẹp của vùng đất ấy. Vậy nên quanh đầm Ô Loan, những truyền thuyết không chỉ dừng lại ở đây, mà con đem cả sự tích Cao Biền, một sự tích có vẻ hoang đường nhưng được người đân địa phương nhiều thế hệ kế tiếp nhau, để mượn cớ tô vẽ nhằm góp phần điểm xuyết cho Ô Loan thêm mỹ miều thơ mộng hơn.

Theo đó, dân gian cho rằng, trên đường đi ếm hại nhân tài nước Nam, Cao Biền đã bị trời chôn tại đây. Vậy nên vùng này có câu: “Cao Biền chết tại Đồng Môn/ Trên sơn dưới thủy, trời chôn Cao Biền”. Phía đông đầm Ô Loan có một cồn cát, người dân cho đó là mả Cao Biền. Tuy nằm sát biển, sóng gió vô chừng nhưng nhờ có một luồng gió xoáy mang cát bồi đắp, nên không khi nào mả bị sụp xuống thấp.

Ô Loan là một đầm nước lợ (nước xà hai), do đầm ăn thông ra biển bằng cửa Lễ Thịnh, đưa nước mặn vào đầm mỗi khi thuỷ triều lên. Đầm cũng nhận nước ngọt từ sông Cái cùng các con suối nhỏ chung quanh đổ vào. 

Đầm Ô Loan gần như nằm trọn trong đất liền, có món đặc sản là sò huyết. Dưới thời phong kiến, các quan lại khi về Phú Yên thường ra đầm Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức món sò huyết.

Món đặc sản ở đầm Ô Loan là hàu
Món đặc sản ở đầm Ô Loan là hàu

Món đặc sản khác ở Ô Loan là hàu. Nhà thơ Tản Đà nổi tiếng sành ăn đã từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: “Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”. Hàu sống dựa vào các tảng đá ngập mặn, có cạnh rất sắc. Hàu dùng để nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng ngon và hấp dẫn nhất là món hàu tái hoặc hàu trộn với đậu phụng và cà chua.

Món ngon vật lạ ở đầm Ô Loan còn có cua đế, còn gọi là huỳnh đế hay hoàng đế. Mai cua hoàng đế màu đỏ hoặc vàng đậm, ngay khi cua còn sống ở dưới nước, đằng sau có một chùm lông vàng, ngắn. Đặc biệt, loài cua này không bò ngang mà bò tới, vì càng và que đều mọc ở đằng trước đầu. Ngoài ra, Ô Loan còn có tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp.

Phong cảnh non xanh nước biếc của đầm Ô Loan là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sĩ sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Mỹ viết: “Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp/ Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh”. Thi sĩ Xuân Diệu thì viết: Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan/ Nước trời cùng với mây liên hoàn/ Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở/ Khí mát lan bay sắc đẹp tràn/ Cao thấp đồi quanh gấm dựng lên/ Lục thêu cùng biếc với xanh lam/ Sắn khoai sức tốt phây phây lượn/ Mía bắp trông xa một sắc liền....”.

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng, nơi đây còn có lễ hội cầu ngư của ngư dân quanh đầm thu hút hàng vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là một nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống ở Phú Yên.

Sau chính lễ cầu mưa thuận gió hòa, mong cuộc sống ấm no là chương trình văn nghệ với các thể loại truyền thống của vùng đất này hát tuồng và các thể loại ca dao truyền thống. Tiếp đến là các cuộc thi tài thể thao với các nội dung như đua thuyền, bơi lội… Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích danh thắng quốc gia vào năm 1996.

Bị xâm hại nghiêm trọng

Phong cảnh sơn thủy hữu tình là vậy, nhưng tiếc rằng, du khách đến trước tấm biển bê tông trên thửa đất ven đường quốc lộ 1A ở đỉnh đèo Quán Cau có dòng chữ nổi “Đầm Ô Loan - Di tích danh thắng quốc gia”, nhưng không tìm thấy con đường nào dẫn xuống danh thắng, vì phía sau tấm biển đó là ruộng rẫy hoa màu trải rộng xuống triền núi với độ dốc sâu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầm Ô Loan có diện tích khoảng 1.570ha. Đầm hiện có 752 hộ nuôi thủy sản với 1.039 hồ nuôi, tổng diện tích khoảng 415ha, trong đó có 65,7ha được cấp quyền sử dụng nhưng đến nay đã hết thời hạn. 

Theo UBND huyện Tuy An, công tác quản lý, bảo vệ Di tích thắng cảnh cấp quốc gia đầm Ô Loan của chính quyền các xã ven đầm và cơ quan chủ quản thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hầu như buông lỏng. Các ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra, xử lý nên tình hình vi phạm không những không giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đến nay, số diện tích lấn chiếm nuôi trồng thủy sản tăng hơn so với năm 2002 khoảng 43ha. Khó khăn nhất hiện nay đối với các trường hợp lấn chiếm này là khung xử phạt rất cao, cao hơn 30 triệu đồng (thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh) nên UBND xã và huyện gặp khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để tháo dỡ công trình.

Đầm Ô Loan đang bị xâm hại nghiêm trọng
Đầm Ô Loan đang bị xâm hại nghiêm trọng

Ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, đối với số diện tích hồ nuôi tôm đã có quyết định giao đất của UBND huyện nhưng đến nay đã hết thời hạn, UBND huyện Tuy An thống nhất không tiếp tục gia hạn. Việc tồn tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trong đầm Ô Loan sẽ thực hiện và xử lý theo quy hoạch của tỉnh.

Được biết, tại cuộc họp bàn công tác quản lý và quy hoạch phát triển bền vững đầm Ô Loan vào tháng 3/2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên ông Nguyễn Chí Hiến cho rằng, các quy hoạch tại khu vực đầm Ô Loan đã cơ bản hoàn thiện, nhưng việc phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý.

Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương còn lỏng lẻo, nhiều hộ dân đã lấn chiếm vùng nuôi, xây dựng nhà trái phép trong thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương không xử lý nghiêm.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra công tác quản lý, quy hoạch phát triển bền vững đầm Ô Loan. Tổ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh Phú Yên về kế hoạch, lộ trình và giải pháp thực hiện quản lý, quy hoạch phát triển đầm Ô Loan; biện pháp xử lý các trường hợp lấn chiếm và xây dựng trái phép ở đây.

Đọc thêm