Đào tạo tài xế sai phạm từ Bắc đến Nam

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, cho rằng, tình trạng sát hạch GPLX qua loa, cấp bằng đại khái đã được nói tới từ rất nhiều năm nay. Theo ông Thanh, việc “cẩu thả” trong khâu này cũng được xem là một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.

Hàng loạt sai phạm trong hoạt động tại các trung tâm sát hạch lái xe đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ rõ…

Kiến nghị dừng tuyển sinh nhiều trung tâm

Qua đợt thanh tra mới đây, đã có 3 trung tâm đào tái lái xe mô tô và  2 trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải dừng tuyển sinh: gồm Trung tâm dạy nghề tư thục lái xe Trường An (TP.HCM); Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ loại 3 (thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang); Trung tâm kiểm định và sát hạch GPLX (thuộc Sở GTVT tỉnh Bến Tre); Trung tâm kỹ thuật tổng hợp (thuộc Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và Phân hiệu III - Trường trung cấp nghề khu vực ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang. Lý do những trung tâm này không được tiếp tục tuyển sinh là bởi sân tập không bảo đảm, không có xe tập lái, công tác giáo vụ yếu kém.

Ngoài ra, Trung tâm sát hạch lái xe loại 3 Tiến Thắng (TP.HCM), Trung tâm sát hạch lái xe thuộc Trường cao đẳng nghề GTVT Trung ương 3 cũng phải dừng việc tổ chức sát hạch do sân tập không bảo đảm. Đối với Trường trung cấp nghề Đồng Tháp, đoàn thanh tra cũng ra quyết định xử phạt do tổ chức đào tạo lái xe không đúng chương trình và thời gian đào tạo theo quy định.

Với những sai phạm đã được chỉ rõ, đoàn thanh tra đã kiến nghị Sở GTVT tỉnh Hậu Giang thu hồi các giấy phép đào tạo lái mô tô, trong đó có hạng A2 cấp không đúng quy định; Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với các tổ sát hạch trong kỳ thi; Sở GTVT 2 tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long kiểm điểm xử lý 8 sát hạch viên có sai sót trong việc chấm bài thi lý thuyết mô tô hạng A1.

Không riêng gì các tỉnh phía Nam, trước đó, vào tháng 3/2013, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT và Công an thành phố Hà Nội cũng đã phát hiện hàng loạt sai phạm về các điểm không có phép hoạt động vẫn tiếp nhận hồ sơ dạy học lái xe.

Cuộc đua “hút” học viên

Nhiều người đã so sánh việc cấp phép hoạt động của các trung tâm sát hạch lái xe giống với thời bất động sản sôi động, khi nơi nào cũng treo biển “sàn bất động sản”, “môi giới bất động sản”. Theo Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT Trịnh Viết Lộc, việc có quá nhiều cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX mô tô, ô tô đã dẫn tới một cuộc “đua” để thu hút học viên.

Trước tình trạng các điểm đào tạo lái xe trăm hoa đua nở nhưng có nhiều vi phạm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết tới đây việc sát hạch GPLX mô tô hạng A1 ở các đô thị loại 2 trở lên sẽ phải được thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe có đủ điều kiện hoạt động.

Theo đó, những trung tâm này phải được trang bị máy tính, camera, màn hình theo dõi và công khai quá trình sát hạch, giám sát tất cả các kỳ sát hạch, khuyến khích sát hạch lý thuyết trên máy tính. Đặc biệt, từ ngày 1/7, hệ thống phần mềm thuộc dự án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc sẽ được đưa vào sử dụng tại tất cả các sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe nên người học phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ sở đào tạo trước khi đăng ký vào học.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, cho rằng, tình trạng sát hạch GPLX qua loa, cấp bằng đại khái đã được nói tới từ rất nhiều năm nay. Theo ông Thanh, việc “cẩu thả” trong khâu này cũng được xem là một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.

Người đứng đầu hiệp hội này cũng kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch GPLX và làm cho thật nghiêm việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), bổ sung chế tài để lực lượng CSGT xử phạt các lỗi vi phạm ghi nhận được qua đó.

Việt Hưng

Đọc thêm