Đất ở không hình thành đơn vị ở 'làm khó' nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Sự chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản du lịch tại một số dự án khu vực Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang gây bức xúc cho các nhà đầu tư thứ cấp, ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Bãi Dài-Cam Ranh (Khánh Hòa) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho nhà đầu tư thứ cấp do vướng mắc trong chính sách - Ảnh: CTV
Nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Bãi Dài-Cam Ranh (Khánh Hòa) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho nhà đầu tư thứ cấp do vướng mắc trong chính sách - Ảnh: CTV

Kích cầu bất động sản du lịch

Để phát huy tiềm năng du lịch của những bãi cát trắng dài hoang hóa, khô cằn khu vực phía Bắc bán đảo Cam Ranh, ngay từ năm 2004, tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào khu vực Bãi Dài, nhưng có rất ít doanh nghiệp “mặn mà”.

Đến giai đoạn 2013-2017, để tăng tính hấp dẫn trong chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tỉnh Khánh Hòa đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho một số doanh nghiệp để triển khai xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Bắc bán đảo Cam Ranh, trong đó có một phần diện tích là đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở).

Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư được cơ quan quản lý địa phương giải thích về loại hình đất ở tại nông thôn thuộc một trong ba nhóm đất theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai - nhóm đất phi nông nghiệp.

Tỉnh Khánh Hòa đặt ra điều kiện: không được đăng ký hộ khẩu, không hình thành nên các khu dân cư, làng xóm… nói cách khác là “ đất ở không hình thành đơn vị ở”.

Người mua bất động sản du lịch tại các dự án đã được cấp phép như đề cập ở trên sẽ được sở hữu lâu dài, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chỉ phục vụ vào mục đích kinh doanh dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng.

Chính sách này của tỉnh Khánh Hòa là “cú hích”, giúp các nhà đầu tư an tâm, tự tin hơn về khả năng thu hồi vốn trong quá trình thực hiện các dự án du lịch nghỉ dưỡng với tổng mức đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng vào khu vực Bãi Dài, Bắc bán đảo Cam Ranh.

Nhờ đó, từ một khu vực chưa phát triển, tiềm năng du lịch bị bỏ phí, cơ sở hạ tầng hạn chế, Bãi Dài đã nhanh chóng “lột xác” với hàng loạt dự án đẳng cấp quốc tế, trở thành “thủ phủ resort” của tỉnh Khánh Hòa.

Kiến nghị gỡ vướng cho các dự án

Đến nay, các nhà đầu tư thứ cấp mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại một số dự án khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh như: Vinpearl Resort & Spa Long Beach Nha Trang, Golden Bay Cam Ranh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Trong khi đó, một số dự án khác, có thể kể đến như Movenpick Resort Cam Ranh… vẫn chưa được tỉnh Khánh Hòa giải quyết cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp dù chủ đầu tư đã nhiều lần đề xuất.

Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng cách đây vài năm, đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính và được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sự thiếu nhất quán và chậm trễ trong thực thi chính sách của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa khiến các nhà đầu tư thứ cấp bức xúc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại về tài chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh yếu kém.

Tại thông báo kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP, ngày 4-11-2020, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng đã và đang phát triển ngày càng mạnh tại nhiều địa phương.

Việc đầu tư, xây dựng loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng đã mang lại một số hiệu quả như thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy quy mô phát triển du lịch, dịch vụ; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, từ việc ban hành cơ chế đến thực thi chính sách tại các địa phương vẫn còn những bất cập, điểm “nghẽn” do khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” chưa có quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành.

Để gỡ vướng cho địa phương và nhà đầu tư, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết một cách triệt để theo hướng khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện dự án.

Theo ông Vương Duy Dũng, trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, các dự án đầu tư phải tuân thủ nội dung dự án đầu tư đã được chấp thuận, cấp phép đầu tư.

Trong một dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có nhiều hạng mục, nhiều loại đất khác nhau, về nguyên tắc địa phương chấp thuận, cấp phép gì nhà đầu tư được làm thứ đó.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, sự ổn định, lâu dài mới cho thấy sự tin tưởng, cam kết của địa phương với các nhà đầu tư trong rót vốn phát triển hạ tầng du lịch.

Các công trình bên trong dự án bất động sản nghỉ dưỡng có tuổi thọ cả trăm năm, cần nhìn nhận các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang đóng góp cho sự phát triển chung của hạ tầng du lịch cả nước, một trong những ngành mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên cần khuyến khích phát triển.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

“Chia dự án thành 2 nhóm để gỡ vướng”

Để gỡ vướng cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh đã chia các dự án thành 2 nhóm để gỡ vướng. Đối với các dự án chưa triển khai xây dựng tỉnh thống nhất chuyển hết sang cấp phép đất dịch vụ thương mại để triển khai dự án. Với các dự án đã đầu tư, đang triển khai xây dựng, UBND đã và đang trình Chính phủ cho cấp phép dự án theo dạng đất ở nông thôn, sở hữu lâu dài để tiếp tục phát triển dự án.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường:

“Cần đưa ra chính sách mới để khơi thông thị trường”

Dù thuật ngữ "đất ở không hình thành đơn vị ở" chưa có trong luật hiện hành song để giữ niềm tin với các nhà đầu tư cần khơi thông, "phá băng" thị trường theo hướng hoặc chủ đầu tư dự án có quyền lựa chọn một phần là đất sản xuất kinh doanh, một phần là đất để ở. Nên chăng cần đưa ra một chính sách mới, quy định đất sản xuất kinh doanh thì chủ đầu tư trả tiền ít, còn phần để bán cho người sử dụng cuối cùng thì chấp nhận là đất ở, trả tiền cao hơn.

Đọc thêm