Bình Yên nhưng “không” yên bình?
Theo như thông tin phản ánh, năm học 2015-2016, các cán bộ giáo viên, nhân viên (CBGV-NV) Trường Tiểu học Bình Yên phải kí rất nhiều danh sách “lạ”. Cụ thể, với tiền thưởng dịp tết âm lịch, mỗi CBGV-NV phải kí đến hàng chục danh sách; những đợt coi thi, chấm bài kiểm tra định kì cuối năm học mỗi giáo viên chỉ nhận được 50 nghìn đồng, nhưng phải ký ít nhất 2 danh sách…
Trong chương trình phát động xã hội hóa lớp học, hiệu trưởng kêu gọi phụ huynh các lớp đóng góp mua máy chiếu, nếu lớp nào không hoàn thành nhiệm vụ thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị trừ điểm thi đua vào đợt bình xét cuối năm học.
Ngoài ra, việc chi trả tiền chuyên đề dạy thêm năm học 2015-2016, mỗi giáo viên (kể cả hợp đồng) được nhà trường trả tiền hỗ trợ, nhưng sau đó phải trả lại thủ quỹ. Có những giáo viên phải trả lại từ 4 triệu đến 8 triệu đồng.
Hàng năm, nhà trường phát động học sinh toàn trường ủng hộ quỹ “Các bạn học sinh nghèo miền núi”, “Xây dựng ngôi nhà khăn quàng đỏ” với các khối lớp 4, 5. Tuy nhiên, nhà trường lại thu cả khối lớp 1, 2 và 3. Số tiền thu được tổng cộng của năm khối là là 5 triệu đồng, nhưng thực tế nhà trường chỉ nộp hơn 2 triệu đồng.
Không dừng lại, nhà trường còn tổ chức kinh doanh bán vở cho học sinh với giá cao, chỉ khi phụ huynh thắc mắc thì nhà trường mới giảm giá vở xuống còn 6.000 đồng/cuốn. Mỗi học sinh phải mua tối thiếu 20 cuốn/năm. Việc làm này cũng gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Đối với việc tuyển sinh, theo quy định của Bộ GD&ĐT các trường học không được tuyển học sinh trái tuyến. Tuy nhiên, thực tế Trường Tiểu học xã Bình Yên năm nào cũng nhận tới hàng chục học sinh trái tuyến. “Mang tên là Bình Yên nhưng chúng tôi thấy những động thái nhà trường làm không bình yên chút nào cả”, một phụ huynh nói.
Đổ lỗi sai sót là do kế toán…?
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Phí Thị Minh Tân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Yên. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, phóng viên liên tiếp chứng kiến những cuộc gọi đến và đi của bà Tân về việc xin ý kiến chỉ đạo nào đó của cấp trên để trả lời báo chí (?!).
Trả lời về nhưng nội dung phản ánh, bà Tân cho hay: “Trong năm học có rất nhiều danh sách mà các thầy cô phải ký, như các khoản tiền nhận dạy thêm, khai giảng đầu năm, tổng kết năm học, ngày kỉ niệm trường. Theo quy chế của Phòng Tài chính thì mỗi thầy cô chỉ được nhận 15 nghìn đồng/người. Chính vì thế các giáo viên phải kí nhiều danh sách để nhận đủ số tiền được thưởng là có cơ sở. Mọi vấn đề chi tiêu tôi cũng đã thực hiện đúng theo quy chế của lãnh đạo cấp trên”.
Về việc thực hiện việc xã hội hóa giáo dục, bà Tân cho rằng, trong các buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cũng đã đưa ra ý kiến thống nhất với các phụ huynh về việc mua tư trang thiết bị học đường theo tinh thần tự nguyện. Theo đó, nhà trường đã làm tờ trình xin ý kiến lãnh đạo địa phương, Phòng GD&ĐT. Hiện nay, toàn trường đã trang bị được 5 chiếc máy chiếu và 2 chiếc ti vi. Bà cũng phủ nhận việc giáo viên bị trừ khen thưởng thi đua khi không thuyết phục được phụ huynh học sinh mua máy chiếu.
Còn đối với việc nhà trường kinh doanh bán vở viết, bà cũng khẳng định do phụ huynh đề nghị nhà trường muốn đồng bộ vở cho các cháu và việc này cũng đã được triển khai từ nhiều năm trước. Giá vở nhà trường dựa trên chất lượng giấy và thống nhất được với giá 7.000 đồng/cuốn. Năm 2016, do sự cạnh tranh của các nhà cung ứng, nhà trường mua được với giá 6.000 đồng/cuốn.
Liên quan đến quỹ hoạt động xây dựng ngôi nhà khăn quàng đỏ, bà Tân thừa nhận sai sót: “Thực tế, việc phát động phong trào này chỉ diễn ra ở khối 4, 5 nhưng do tin tưởng bộ phân tham mưu nên khi kí nhận tiền lại là toàn khối 1, 2, 3, 4, 5, tổng số tiền thu được là 5 triệu đồng. Sau đó, nhà trường giao nộp cho Phòng Tài chính huyện là 2,5 triệu đồng. Số tiền còn lại các giáo viên xin phép phụ huynh chi cho các học sinh nghèo vượt khó bằng vở, sách và trang phục. Cụ thể cuối năm học 2015-2016 đã tặng vở và có danh sách kèm theo. Số tiền còn lại chúng tôi chuyển sang năm học 2016-2017”.
Riêng với việc nhà trường tuyển học sinh trái tuyến, bà Tân cũng thừa nhận là đúng. Tuy nhiên, theo bà, việc nhà trường nhận thêm học sinh trái tuyến cũng đã được sự nhất trí của Phòng GD&ĐT. Danh sách học sinh trái tuyến trong năm học 2014-2015 có 16 học sinh. Năm 2016, nhà trường tuyển thêm 26 học sinh đang tạm trú trên địa bàn, 6 học sinh nhà trường ưu tiên cho con em giáo viên, lực lượng quốc phòng đang làm việc trên địa bàn xã.
Về việc các giáo viên phải trả lại số tiền mà nhà trường khi đã kí nhận, bà Tân phân trần: “Do kế toán của trường nhiều tuổi nên có phần sai sót trong việc tính định mức số buổi dạy thêm của các thầy cô, vì thế nhà trường đã thu lại số định mức sai sót đó. Nhưng khoản hoàn trả lên đến 8 triệu đồng là không đúng. Trong năm học tới, tôi sẽ có buổi làm việc với các giáo viên trong trường để giải quyết những khúc mắc này và thực hiện tốt những nhiệm vụ trong năm học sắp tới”.
Theo bà Tân, những nội dung thông tin này, Phòng GD&ĐT cũng đã về trường để tiến hành điều tra, nhà trường cũng đã có báo cáo với Phòng về việc này. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp những tài liệu liên quan thì bà Tân hứa sẽ cung cấp sau, nhưng nhiều ngày nay vẫn “vô âm bặt tín”. Được biết, Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất cũng đã thông báo tới Sở GD&ĐT TP Hà Nội về vụ việc.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.