Tiếp vụ “Trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình)“: Sở GD&ĐT đang “bao che” sai phạm (?)

(PLO) - Thời gian gần đây, dư luận đang rất quan tâm tới những sai phạm của Trường Chuẩn quốc gia, trường Trung học phổ thông (THPT) Lê Quý Đôn, tỉnh Thái Bình. Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã có loạt bài phản ánh những sai phạm trong công tác quản lý; công tác giảng, dạy tại Lê Quý Đôn. 
Kết luận của Sở GD&ĐT Thái Bình
Kết luận của Sở GD&ĐT Thái Bình

Ngay sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Bình vào cuộc làm rõ những sai phạm được nêu. Tuy nhiên, tại Kết luận Thanh tra của Sở GD&ĐT Thái Bình dường như chỉ “nửa vời”... 

Nội dung tố cáo một đằng, kết luận một nẻo

Ngày 9/8/ 2016 vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình đã có bản kết luận số 481/KL-SGDĐT giải quyết đơn của ông Trần Đức Hinh, Chủ tịch Công đoàn trường Lê Quý Đôn, tố cáo về những sai phạm của Ban lãnh đạo Hội đồng thi nghề Phổ thông cùng với việc tự ý cho cắt xén chương trình môn tự chọn, cắt xén chương trình môn công nghệ khối 11, sai phạm trong công tác bổ nhiệm kế toán; tự ý tổ chức thi khảo sát lớp chọn cho 2 khối 10 và khối 11.

Tuy nhiên, trong bản kết luận 481/KL-SGDĐT, Sở GD&ĐT chỉ “gói gọn” xác minh vấn đề sai phạm trong tổ chức thi dạy nghề  phổ thông và sai phạm trong công tác quản lý của ông Phó Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn Phạm Văn Tân mà không hề “đả động” đến những sai phạm còn lại của nội dung tố cáo.

“Nội dung tố cáo của tôi là Ban lãnh đạo Hội đồng thi nghề Phổ thông chứ không tố cáo một mình ông Phạm Văn Tân. Cùng với đó, trong quá trình thụ lý để kết luận, Đoàn Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh không một lần tổ chức đối thoại với người tố cáo, không sử dụng đến những bằng chứng, nhân chứng, vật chứng do người tố cáo cung cấp. Kết luận thanh tra có thể nói là không khách quan, mang ý chủ quan của đơn vị thụ lý tố cáo”, ông Hinh – người trực tiếp tố cáo - cho hay.

Kỳ thi tốt nghiệp Nghề THPT là kỳ thi Quốc gia, kết quả thi được cộng điểm khuyến khích khi các em xem xét tốt nghiệp THPT Quốc gia, nên có tính chất đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, việc làm trái quy định của nhà nước trong quá trình dạy cũng như chấm thi của Lê Quý Đôn được Sở GD&ĐT xem nhẹ, như không có chuyện gì xảy ra.

“Việc làm trái quy định của Bộ GD&ĐT của Ban lãnh đạo Hội đồng thi nghề của Lê Quý Đôn không phải là vô tình. Việc làm đó nhằm động cơ, mục đích gì và kết quả của các em sau khi thi có được công nhận không, những nội dung này tôi không nhận được câu trả lời trong bản kết luận” - ông Hinh nói

Không dừng lại ở đó, ông Hinh cho biết, ông cũng nêu việc ông Tân - Phó Hiệu trưởng nhà trường - sau khi chấm và duyệt kết quả thi nghề, đã gọi một số giám thị lên “dọa” và yêu cầu sửa chữa một số văn bản để nhằm đổ lỗi cho người khác và hợp thức hóa, việc làm trái quy chế.  Ông Hinh đã gửi chứng cứ là đĩa ghi âm, bản sao chụp văn bản thi cho đoàn thanh tra, tuy nhiên, nội dung này cũng không được đoàn thanh tra xác minh và đề cập trong bản kết luận.

Sở bao che sai phạm (?)

Theo quy định, số tiết học nghề phải đảm bảo thời lượng 105 tiết, qua xác minh đến hết kỳ 1, mỗi lớp mới học 10 buổi tương đương với 30 tiết học; còn thiếu của học sinh 75 tiết nhưng bản kết luận cho rằng học sinh chỉ còn thiếu 24 tiết học, việc dạy học bổ sung trong kỳ 2 thời lượng đảm bảo 19 tiết học. Như vậy, tổng thời lượng thực học là 49 tiết, còn thiếu 56 tiết chứ không phải thiếu 5 tiết như trong kết luận. 

Phản bác những gì đã nêu tại bản kết luận, những sai phạm trên trách nhiệm thuộc về Tổ bộ môn của trường Lê Quý Đôn, ông Hinh khẳng định: “Kết luận nêu như trên là không đúng, vì trong bản kế hoạch năm học 2015 - 2016 do ông Vũ Minh Thuật ký ngày 15/9/2015 phát cho tất cả cán bộ, giáo viên nêu rõ: Thời lượng học nghề từ 10 đến 15 buổi, yêu cầu đối với giáo viên dạy ghi và ký sổ đầu bài theo nội dung chương trình 105 tiết. Vậy, trách nhiệm thuộc về ông Thuật chứ không đúng như kết luận và ông Thuật đã báo cáo sai sự thật để tổ chức thi nghề phổ thông, trái với quy định của Bộ GD&ĐT”.

Một điểm cần bàn nữa là, Sở GD&ĐT Thái Bình cho rằng, việc phân công giáo viên không đúng chuyên môn như giáo viên dạy Sinh học, môn Giáo dục thể chất chấm thi môn Tin, giáo viên môn Giáo dục thể chất chấm môn điện dân dụng “là cần thiết” và lý giải, “vì đây là công việc sử dụng nhiều thiết bị cần có người hỗ trợ”. Do vậy, bản kết luận cho rằng nội dung đơn phản ánh có “phần đúng”.

Bỏ qua những sai phạm nghiêm trọng, xác minh đơn thư tố cáo một cách “nửa vời”, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình đưa ra hình thức xử lý vi phạm “nhẹ nhàng” đối với ban lãnh đạo trường Lê Quý Đôn. Cụ thể: Sở GD&ĐT tiến hành kiểm điểm trách nhiệm với ông Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn; theo thẩm quyền Hiệu trưởng Lê Quý Đôn kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và khắc phục hậu quả về những sai sót đã nêu; xử phạt hành chính.

“Kết luận của Sở GD&ĐT Thái Bình là bao che, chưa thoả mãn được niềm tin của đông đảo giáo viên đơn vị, phụ huynh của các con em đang theo học tại trường” - ông Hinh thẳng thắn nói.

Trước việc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình bỏ qua quá nhiều nội dung, ông Hinh khẳng định sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại và tố cáo những nội dung mà đoàn Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh chưa làm rõ  đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Sở Thanh tra tỉnh Thái Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình,…

PV báo PLVN đã liên hệ trực tiếp Sở GD&ĐT Thái Bình để làm rõ những thông tin tố cáo của ông Hinh. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Thái Bình đã né tránh dù phóng viên đã nhiều lần gọi điện cho ông Đặng Phương Bắc, Giám Đốc sở.

Dư luận đang mong các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình có thái độ rõ ràng, có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm túc đối với những sai phạm rất rõ ràng của Ban lãnh đạo trường Lê Quý Đôn. Từ đó, đưa ngôi trường mang tên nhà Bác học Lê Quý Đôn - giàu truyền thống nhất của Thái Bình trở lại vị trí trước đây, một ngôi trường đứng đầu trong công tác dạy và học của tỉnh.

Đọc thêm