Dấu hỏi từ một vụ kiện đòi đất đã chuyển nhượng

(PLO) - Quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng đầy đủ thủ tục pháp lý, sổ đỏ đã sang tên chủ mới được 3 năm mà không xảy ra tranh chấp. Đột nhiên bên chuyển nhượng khởi kiện ra tòa đòi đất với lý do chỉ thế chấp để vay tiền chứ không bán…
Khu đất đang xảy ra tranh chấp
Khu đất đang xảy ra tranh chấp
Kiện dân sự rồi lại yêu cầu xử lý hình sự
Theo hồ sơ, ngày 17/5/2011, ông Châu Hùng Dũng và bà Huỳnh Dao (cùng ngụ đường Trần Hưng Đạo, phường 5, TP.Cà Mau) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 2.532,27m2 đất tại đường Phan Ngọc Hiển, phường 5, TP.Cà Mau của ông Lê Anh Huy Bách (SN 1985, ngụ đường Nguyễn Trãi, phường 9, TP.Cà Mau). 
Khi kí hợp đồng công chứng, ông Dũng trả cho ông Bách 700 triệu đồng (có biên nhận). Đến ngày 24/5/2011, ông Dũng thanh toán tiếp 700 triệu đồng và một bản cam kết được lập với nội dung chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với giá 1,4 tỷ đồng; bên bán được quyền chuộc lại đất trong vòng 6 tháng nhưng phải trả thêm khoản tiền “coi như là lãi”. 
Do ông Bách không chuộc lại nên ông Dũng làm thủ tục đổi tên chủ sử dụng phần đất trên và được UBND TP.Cà Mau cấp sổ đỏ rồi mang thế chấp ngân hàng. Tại biên bản làm việc của Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long chi nhánh Cà Mau, bà Nguyễn Nguyệt Nga (mẹ ông Bách) ký xác nhận tài sản đã chuyển nhượng cho ông Dũng, không phản đối hay có ý kiến gì về việc ông Dũng và bà Dao thế chấp tài sản này cho ngân hàng. 
Tuy nhiên, ngày 26/2/2014, ông Bách khởi kiện yêu cầu được trả tiền và lãi suất theo quy định của Nhà nước cho ông Dũng, bà Dao để nhận lại đất; đồng thời yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hủy hợp đồng thế chấp giữa ông Dũng – bà Dao với ngân hàng và hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Dũng – bà Dao.  
Quá trình tòa án thụ lý, ngày 20/5/2014, ông Nguyễn Ngọc Anh đại diện theo ủy quyền của ông Bách gửi đơn bằng đường bưu điện yêu cầu tòa chuyển hồ sơ (sau đó chỉ yêu cầu chuyển đơn) sang công an giải quyết vụ án hình sự và yêu cầu “tạm ngưng” giải quyết vụ án, vì cho rằng ông Bách bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Ngày 30/7/2014, TAND TP.Cà Mau đưa vụ án ra xét xử, ông Ngọc Anh và luật sư yêu cầu hoãn phiên tòa, chờ giám định giọng nói của ông Dũng, song không được chấp nhận. Theo đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm do Thẩm phán Huỳnh Văn Út làm chủ tọa đã bác yêu cầu của nguyên đơn; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn buộc nguyên đơn trả toàn bộ đất và tài sản trên hơn 2.500m2 đất (loại lập vườn) nói trên. Không đồng ý, ông Bách kháng cáo và VKSND TP.Cà Mau kháng nghị.
Cho vay hay chuyển nhượng?
Nguyên đơn cho biết chỉ thế chấp đất theo hình thức chuyển nhượng để vay tiền chứ không bán đứt; đồng thời cho rằng chữ ký trong tờ cam kết bán đất và tài sản gắn liền với đất ngày 24/5/2011 là giả mạo. Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện phần đất vợ chồng ông Dũng nhận chuyển nhượng đã được công chứng và đăng ký quyền sử dụng đúng thủ tục, được UBND TP.Cà Mau cấp sổ đỏ ngày 24/5/2011 và sổ đỏ được ông Dũng thế chấp ngân hàng vay vốn kinh doanh hơn 3 năm nay. 
Thời điểm ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp, UBND phường 9 xác nhận phần đất trên không có tranh chấp, bà Nga (mẹ ông Bách) cũng ký vào biên bản thẩm định và phần đất này được vợ chồng ông Dũng mở cơ sở gửi xe, rửa xe... Bên cạnh đó, tại Kết luận giám định ngày 16/6/2014, Cơ quan Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Cà Mau kết luận chữ ký, chữ viết tại tờ cam kết ngày 24/5/2011 đều do cùng ông Bách – bà Nga viết và ký ra… Đây là cơ sở để tòa bác yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.       
Ngày 13/8/2014, với lý do phải đợi kết quả công an giải quyết đơn yêu cầu xử lý hình sự của nguyên đơn, chưa giám định giọng nói của bị đơn trong đĩa ghi âm do nguyên đơn cung cấp, giá đất thị trường và giá chuyển nhượng có sự chênh lệch khá lớn nên Phó Viện trưởng VKSND TP.Cà Mau Huỳnh Thu Hà đã ký Quyết định kháng nghị số 04 đề nghị hủy Bản án sơ thẩm số 112 ngày 30/7/2014 của TAND tỉnh Cà Mau. 
Về nội dung này, Thẩm phán Huỳnh Văn Út khẳng định: “Phiên tòa sơ thẩm được tiến hành đúng thủ tục tố tụng. Không có căn cứ pháp lý hoãn phiên tòa để chờ kết quả giải quyết đơn tố cáo của nguyên đơn cho rằng bị đơn lừa đảo, trong khi vụ án thụ lý đã hơn 5 tháng. Trước khi xử, tòa đã triệu tập, hỏi ý kiến thì cả nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định họ tiếp tục khởi kiện, tiếp tục phản tố, không bên nào chịu rút yêu cầu của mình. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cũng khẳng định phiên tòa sơ thẩm được tiến hành đúng trình tự thủ tục luật định, đồng thời không có ý kiến gì để đề nghị khắc phục vi phạm tố tụng hoặc có ý kiến khác”.
Khi được hỏi vì sao không giám định giọng nói của bị đơn trong đĩa ghi âm do nguyên đơn cung cấp, Thẩm phán Út nói: “Bị đơn đã xin sao chép file ghi âm ngày trước đó, tại tòa bị đơn đã thừa nhận giọng nói đó nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa để giám định giọng nói ông Dũng. Sau khi mở đĩa ghi âm cho HĐXX nghe thì không có nội dung nào thể hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký với mục đích là để vay tiền. Do đó, nội dung đĩa ghi âm không phải là chứng cứ để tòa xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, chúng tôi cũng rất chú ý đến tình tiết giá trị chuyển nhượng có vẻ thấp hơn khá nhiều so với diện tích của phần đất. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế thì giá trị chuyển nhượng không thực sự chênh lệch, mặc dù hơn 2.500m2 đất ở đô thị nhưng loại đất là đất lập vườn và chỉ có mặt tiền rộng khoảng 5m ngang, có khoảng 30m dài phía hậu đất là ao trũng. Tuy nhiên, Tòa án đã không thể đo và định giá được lô đất, vì nguyên đơn phản đối không đồng ý...”.
Để tạm kết bài viết này, chúng tôi xin mượn lời của một vị thẩm phán TANDTC rằng: “Trong khi bản án chưa có hiệu lực thì không thể nói việc tranh chấp ai đúng, ai sai”. Và những nội dung nêu trên nhằm cung cấp, làm rõ những tình tiết của vụ án có nhiều tranh cãi này.
Không có dấu hiệu hình sự
Ngày 27/8/2014, Công an tỉnh Cà Mau đã có Văn bản số 70/PC45 khẳng định: “Công an tỉnh Cà Mau đã tiến hành điều tra, xác minh, đến nay chưa có cơ sở xác định dấu hiệu phạm tội đối với ông Châu Hùng Dũng”.  

Đọc thêm