Theo yêu cầu của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã công bố Báo cáo giám sát tóm tắt năm 2013 của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại báo cáo này, EVN đánh giá, năm 2013 được đánh giá là năm có nhiều thuận lợi về thời tiết thủy văn, đặc biệt công trình Thủy điện Sơn La vào vận hành làm cho sản lượng thủy điện tăng cao hơn.
Thêm vào đó, giá điện đã tăng khoảng 5% vào cuối tháng 12/2012, tạo điều kiện áp giá điện mới ngay từ đầu năm 2013 và tăng thêm 5% vào tháng 8/2013. Tỷ giá ngoại tệ ổn định năm 2013 cũng đã khiến chi phí mua điện của các hợp đồng mua điện thanh toán bằng ngoại tệ không bị biến động tăng do các tác động của tỷ giá ngoại tệ.
Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013 của EVN có lãi vượt kế hoạch được giao. Tuy nhiên, báo cáo tóm tắt mà EVN cung cấp lần này không đề cập con số lãi cụ thể. Hồi đầu năm, ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng giám đốc EVN từng cho biết, năm 2013 doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 172.470 tỷ đồng, tăng 19,85% so với năm 2012. Trong năm 2014, EVN đặt mục tiêu "toàn tập đoàn sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận".
Cũng trong năm 2013, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 5,5%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,2% đều tăng mạnh so với năm 2012. Số tiền thuế nộp ngân sách Nhà nước ở mức 4.258 tỷ đồng.
Công tác thu xếp vốn đầu tư được xem là một nhiệm vụ trong tâm của EVN trong năm 2013. Tập đoàn và các đơn vị đã ký được hợp đồng vay trên 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi trong nước. Tổng nguồn vốn nước ngoài đã ký kết trong năm 2013 đạt 792 triệu USD vốn vay thương mại và 120 triệu EUR vay ODA. Qua đàm phán, EVN đã được các ngân hàng cho giãn trả nợ khoảng 3.000 tỷ đồng cho dự án Thủy điện Sơn La.
Theo báo cáo, cho đến cuối năm 2013, hầu hết các dự án trọng điểm đã được thu xếp đủ vốn đối ứng và vốn vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đảm bảo tiến độ đề ra.
Về tình hình đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, Tập đoàn cho hay, trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị EVN góp vốn đều có lãi và thực hiện chia lợi nhuận/cổ tức về EVN theo quy định.
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính được đã được EVN đẩy mạnh với việc thoái vốn, giảm vốn thành công tại 3 công ty cổ phần (CTCP) gồm CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, Ngân hàng TMCP An Bình, CTCP Đầu tư và xây dựng điện lực Việt Nam.
Ngoài ra, tại báo cáo này, một số chỉ số khác cũng được tập đoàn hé lộ: khả năng thanh toán nợ ngắn hạn 1,03 lần; khả năng thanh toán hiện hành là 1,7 lần; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,4 lần (thấp hơn mức giới hạn cho phép là 3 lần).
EVN khẳng định đã quản lý các nguồn vốn đảm bảo theo quy định của Nhà nước, sử dụng đúng mục đích được giao với hệ số bảo toàn vốn là 1,04 lần.
Công ty mẹ - EVN được tổ chức dưới hình thức là công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Vốn điều lệ của EVN tại thời điểm 31/12/2013 là 143.404 tỷ đồng.