Day dứt những “điểm nóng” khiếu kiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần có quyết tâm chính trị cao, người đứng đầu phải nhận thức rõ trách nhiệm.
Ảnh chỉ có tính minh họa.
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Từ ngày 15/11/2021, hai Thông tư 04/2021/TT-TTCP và 05/2021/TT-TTCP do Thanh tra Chính phủ ban hành, quy định quy trình tiếp công dân và quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của công dân chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, giải quyết và chỉ đạo giải quyết khiếu tố.

Liên quan vấn đề này, chỉ trước đây ít ngày, một báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu đích danh một số chủ tịch cấp tỉnh không tiếp dân ngày nào trong suốt 18 tháng.

Theo một thống kê từ Thanh tra Chính phủ, thực trạng việc tiếp dân của người đứng đầu hiện nay như sau: Năm 2021, có 22,3% số lượt tiếp dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp được ủy quyền, phân công tiếp thay; dù theo quy định của Luật Tiếp công dân là chủ tịch cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày và tiếp công dân đột xuất trong những vụ gay gắt, phức tạp.

Nhận định này phù hợp với đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội trước đây tại một số địa phương, là người đứng đầu tiếp dân không đúng định kỳ, ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho giám đốc cấp sở. Cán bộ được ủy quyền chỉ tiếp dân theo kiểu hình thức để báo cáo; trong khi đó mục tiêu chủ tịch cấp tỉnh tiếp dân là để đưa ra chủ trương, biện pháp giải quyết ngay vấn đề; chứ không phải để ghi điểm, ghi danh, để “làm cho xong”.

Theo đại diện Ban Tiếp công dân Trung ương, rất nhiều vụ việc, Ban có văn bản xuống đề nghị đối thoại, nhưng người dân vẫn rất “khó gặp” lãnh đạo địa phương. Có tỉnh khi Tổng Thanh tra Chính phủ gặp dân, có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, người dân nói “8 năm rồi mới được gặp phó chủ tịch. Nếu như không có cuộc tiếp của Tổng Thanh tra, người dân chắc không bao giờ gặp được chủ tịch, phó chủ tịch”.

Ở một số địa phương, lãnh đạo có tiếp dân, rồi ra thông báo “từ chối tiếp dân” vì “đã giải quyết hết thẩm quyền”.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ): Lãnh đạo các tỉnh, thành không tiếp dân, không quan tâm đến quyền lợi của dân thì người dân sẽ bức xúc, khiếu kiện vượt tuyến lên Trung ương. Vì vậy, việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần có quyết tâm chính trị cao, người đứng đầu phải nhận thức rõ trách nhiệm. “Cán bộ tiếp dân phải giải quyết đến cùng vấn đề chứ không phải hết thẩm quyền. Xét cho cùng, người dân có lên Trung ương thì thẩm quyền giải quyết vẫn là chủ tịch địa phương đó”, ông Điệp nói.

Theo thống kê, cấp ủy chính quyền địa phương nào tăng cường công tác tiếp dân và người đứng đầu quan tâm đến việc này, đa số sự việc khiếu nại, tố cáo ở địa phương đó sẽ ít, không có bức xúc. Vì vậy, chủ tịch tỉnh không chờ đến lịch mới tiếp dân mà nên tiếp dân đột xuất với những việc phức tạp, cần giải quyết ngay để tránh làm nóng tình hình. “Hiện chế tài chính quyền xử lý người đứng đầu không tiếp dân chưa có, vì vậy cần phải đánh giá và có giải pháp xử lý lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm cuối năm theo nguyên tắc Đảng”. Đề xuất của ông Điệp là ý kiến cần phải suy ngẫm.

Đọc thêm