Để gắn kết hơn nữa kiều bào với quê hương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; luôn gắn kết chặt chẽ với quê hương cả về tinh thần, vật chất. Năm 2021, Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận tiền kiều hối lớn nhất thế giới với số tiền hơn 18 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đảng, Nhà nước và cả đất nước cũng luôn xác định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc; tất cả các mối quan hệ, hợp tác của Việt Nam với các nước đều tính toán đến lợi ích của kiều bào, đồng thời khuyến khích bà con đóng góp xây dựng đất nước trong khả năng của mình.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp giữa lãnh đạo TP HCM với đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, tổ chức mới đây, một số ý kiến cho thấy quy định pháp luật về địa vị pháp lý của kiều bào còn cần phải được chú ý, quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Australia, chia sẻ 43 năm sống ở nước ngoài, ông vẫn luôn nhớ bản thân là người Việt, ra khỏi Australia luôn dùng quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện số Việt kiều có quốc tịch Việt Nam còn quá ít.

Theo ông Phúc, nhiều kiều bào ở nước ngoài mong muốn có quốc tịch Việt Nam để trở về quê hương. Có người nộp hồ sơ, đợi một vài năm mà chỉ nhận được câu trả lời “đang kiểm tra” và không biết khi nào xong. “Tôi thấy có những thủ tục hơi căng”, ông cho rằng “không ai muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam” và mong TP HCM kiến nghị Chính phủ có quy định thông thoáng hơn trong cấp quốc tịch, hộ chiếu cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong khi đó, một doanh nhân nổi tiếng Việt Nam cho biết bản thân gặp khó trong đầu tư. Ông kể, sau khi có Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014, ông và gia đình là một trong những công dân đầu tiên được cấp quốc tịch Việt Nam song song quốc tịch Mỹ.

Theo doanh nhân này, khi Luật Đầu tư 2020 ra đời cũng quy định người có hai quốc tịch được làm bất cứ ngành nghề nào ở Việt Nam mà không bị cấm. Tuy nhiên, sau 38 năm làm trong ngành hàng không, vừa qua ông gặp “sự cố” khi đầu tư một dự án 3,5 tỷ USD bởi một số ban ngành đặt vấn đề: “Việt kiều hai quốc tịch có được kinh doanh hàng không hay không?”.

“Mất 8 tháng trời không có kết quả. Đề nghị TP kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành làm rõ Việt kiều hai quốc tịch thì có bị cấm đầu tư ngành nghề nào không”, ông nói và cho rằng rất nhiều người Việt ở nước ngoài muốn về đầu tư ở quê hương quan tâm vấn đề này.

Doanh nhân này cũng góp ý việc chuyển kiều hối lớn về nước đang gặp khó khăn khi phía ngân hàng “hỏi nhiều quá”, dù tiền này đã được phía nước ngoài kiểm tra và đảm bảo “sạch”.

Tất nhiên, vấn đề quốc tịch liên quan đến câu chuyện an ninh quốc gia và các điều luật điều ước quốc tế, là vấn đề pháp lý rất phức tạp với cả thế giới chứ không chỉ với riêng Việt Nam. Tuy nhiên, những kiến nghị nêu trên của các đại biểu là rất cần được lắng nghe, xem xét và sớm gỡ vướng mắc, để các kiều bào ngày càng gắn kết chặt chẽ với quê hương hơn nữa.

Đọc thêm