Chiều qua (28/9), đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII tại phiên họp thứ hai của Ủy ban thường vụ Quố hội (UBTVQH), Ủy ban Pháp luật nhận xét: Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có sự cải tiến, ngày càng đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, Ủy ban này cũng chỉ rõ: việc thực hiện chương trình chưa đạt kết quả đã đề ra. Nguyên nhân là do khâu lập chương trình, soạn thảo, thẩm tra đến việc thảo luận, thông qua các dự án luật, pháp lệnh vẫn còn những hạn chế nhất định.
Ảnh minh họa. |
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011- 2016), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Nhiệm kỳ này, Chính phủ đề nghị tổng số 115 dự án. Trong đó, có 20 dự án được chuyển từ chương trình chính thức khóa XII sang; 51 dự án là luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều và luật sửa đổi. Chính phủ cũng có một số đề nghị về đổi mới cách thức lập dự kiến chương trình khóa XIII và giải pháp bảo đảm thực hiện chương trình.
Cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ đưa vào các dự án: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), Luật tổ chức TAND (sửa đổi), Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) phục vụ cho việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục đưa vào chương trình nhiệm kỳ Quốc hội XIII các dự án liên quan đến bộ máy tổ chức nhà nước, đó là: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ủy ban Pháp luật không đồng ý việc đưa một số luật vào chương trình (như Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật về Hội, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Bảo vệ quyền riêng tư, Luật Nhà văn…) theo đề nghị của Chính phủ.
Thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội XIII, nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ QH đánh giá cao về công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, đồng thời đề xuất đưa vào thêm một số dự án luật khác. Các Ủy viên Ủy ban thường vụ QH cũng lưu ý, cần ưu tiên những dự án luật thực sự bức xúc, kiên quyết với tình trạng dự án luật không đạt chất lượng nhưng vẫn đưa vào chương trình; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng luật ban hành phải chờ Nghị định hướng dẫn…
T.Hằng