Đề xuất mô hình, tên gọi mới của tòa án cấp tỉnh và huyện: Có phù hợp thực tiễn hay không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo đề xuất thay đổi hệ thống toà án mà TANDTC đang đưa ra tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Toà án 2014, một số ý kiến cho rằng là phù hợp, có nhiều điểm nhấn đột phá.
Trụ sở TANDTC
Trụ sở TANDTC

Mô hình tổ chức toà án hiện gồm: TANDTC, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện, tòa án quân sự. Theo mô hình tổ chức mới đề xuất, gồm: TAND tối cao, cấp cao, phúc thẩm, sơ thẩm, sơ thẩm chuyên biệt, tòa án quân sự.

TANDTC về cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức hiện hành, có kiện toàn tổ chức lại bộ máy giúp việc cho phù hợp. TAND cấp cao được tổ chức trên cơ sở các TAND cấp cao hiện tại, có bổ sung quy định về việc thành lập thêm các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, môi trường, phá sản để xét xử theo thủ tục phúc thẩm với các vụ án của TAND sơ thẩm chuyên biệt bị kháng cáo, kháng nghị.

TAND phúc thẩm được tổ chức tại 63 tỉnh thành, trên cơ sở bổ sung, điều chỉnh thích hợp chức năng, nhiệm vụ của TAND cấp tỉnh hiện nay; nhiệm vụ chính là xử phúc thẩm các vụ án của TAND sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

TAND sơ thẩm được tổ chức tại cấp huyện trên cơ sở bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của TAND cấp huyện hiện nay. TAND sơ thẩm có tòa chuyên trách và tòa giản lược (xử sơ thẩm các vụ án ít nghiêm trọng, sự việc phạm tội đơn giản, tranh chấp có giá trị không lớn).

TAND sơ thẩm chuyên biệt được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh thành tùy thuộc vào khối lượng công việc mỗi loại vụ việc; có chức năng, nhiệm vụ xử sơ thẩm các loại vụ việc đặc thù theo từng lĩnh vực; gồm TAND sơ thẩm sở hữu trí tuệ, hành chính, phá sản, môi trường.

Theo dự thảo, sự thay đổi trên sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của tòa án cũng như chất lượng xét xử giải quyết các vụ việc; đồng thời tiết kiệm chi phí tố tụng cho nhà nước, người dân. Tuy nhiên, một số phát sinh sẽ xảy ra, điển hình là thủ tục, quy trình liên quan thành lập các đơn vị tòa án mới, hay việc thay đổi thủ tục, quy trình tố tụng do thay đổi thẩm quyền các tòa án.

Đánh giá cao về đề xuất, bà Ngô Thị Lý, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình cho rằng, trên thực tế, người dân không phải ai cũng nắm rõ thẩm quyền tòa án các cấp. Do đó, đề xuất việc thay đổi tên, mô hình tổ chức như dự thảo đề xuất sẽ giúp người dân dễ nhận biết, hiểu được khi có yêu cầu khởi kiện thì cần đến đâu.

Còn theo LS Nguyễn Thị Trang (Đoàn LS Hà Nội), thực tiễn đòi hỏi mọi sửa đổi đều nhằm hướng đến sự hoàn thiện, do đó, những bất cập, thiếu phù hợp trong tổ chức hệ thống tòa án hiện nay cũng cần thay thế bằng cái mới, cái phù hợp hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện cần có cách thức thực hiện một cách bài bản, khoa học, tránh tình trạng chỉ thay đổi tên gọi mà bản chất vẫn vậy, tránh việc “bình mới, rượu cũ”.

Theo LS Trang, với đề xuất về TAND phúc thẩm, đối chiếu với thẩm quyền TAND cấp tỉnh hiện nay, có thể gặp phải một số vấn đề khi thực hiện. “Như theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thẩm quyền toà án cấp tỉnh hiện nay là xét xử gồm cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm với tùy vụ việc. Theo đề xuất mới thì rất dễ khiến một số người suy nghĩ rằng TAND phúc thẩm chỉ xử phúc thẩm, từ đó dẫn đến việc nộp đơn khởi kiện, yêu cầu khởi kiện không đúng địa chỉ, không đúng cơ quan, dẫn đến mất thời gian, mất chi phí”, LS Trang nói.

Theo dự thảo, hệ thống tòa sẽ không còn TAND cấp huyện mà thay vào đó tên gọi là TAND sơ thẩm được tổ chức tại cấp huyện. TAND sơ thẩm sẽ có tòa chuyên trách và tòa giản lược. Nhận xét về đề xuất này, LS Tống Thị Linh (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, về cơ bản, sự đổi mới này là rất tốt và phù hợp thực tế, thể hiện sự chuyên nghiệp. “Nhưng theo tôi, thay đổi toà cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm hay thay toà cấp huyện thành TAND sơ thẩm, thì cần điều chỉnh, thay đổi cả chức năng, thẩm quyền xét xử với 2 cấp toà này một cách khoa học, phù hợp”, LS Linh nêu ý kiến.

Đọc thêm