Đề xuất nhiều mức hỗ trợ để bảo vệ rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều đối tượng sẽ được hỗ trợ

Theo dự thảo, Nhà nước sẽ cấp kinh phí quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho chủ rừng là ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên, với mức bình quân 150.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao để chi cho các hoạt động.

Về mức kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng cho đối tượng là chủ rừng là tổ chức khác được Nhà nước giao rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng; chủ rừng là cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng đặc dụng bình quân 500.000 đồng/ha/năm. 

Đối tượng chủ rừng là công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng sẽ được hỗ trợ bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Mức cụ thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quyết định cho đối tượng chủ rừng là đơn vị trực thuộc Bộ; UBND cấp tỉnh quyết định cho đối tượng là chủ rừng thuộc địa phương quản lý. Trong đó, chi phí một lần lập hồ sơ bảo vệ rừng là 80.000 đồng/ha. Ngoài ra, mức kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II và III, rừng vùng ven biển bằng 1,2 lần mức kinh phí bảo vệ rừng.

Về khoán bảo vệ rừng, các đối tượng khoán bao gồm: Diện tích rừng được Nhà nước giao cho ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho công ty nông, lâm nghiệp, các đơn vị vũ trang quản lý; diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý. Đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Mức khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bình quân 500.000 đồng/ha/năm. Mức cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Trong đó, chi phí một lần lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 80.000 đồng/ha. 

Mức khoán bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên của công ty nông, lâm nghiệp do công ty này quyết định nhưng tối thiểu 300.000đ/ha/năm. Đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II và III, rừng vùng ven biển bằng 1,2 lần mức khoán bảo vệ rừng bình quân quy định tại điểm này. Phương thức khoán bảo vệ rừng sẽ thực hiện thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng hằng năm. Hằng năm, bên giao khoán có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng đối với bên nhận khoán theo quy định của Bộ NN&PTNT về quản lý đầu tư công trình lâm sinh.

Hỗ trợ gạo để trồng rừng thay nương rẫy

Nhà nước cũng sẽ trợ cấp gạo cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ổn định tại xã khu vực II và III để trồng rừng thay thế nương rẫy. Cụ thể, mức trợ cấp gạo 15kg gạo/khẩu/tháng, hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực. UBND cấp tỉnh quyết định mức và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa 7 năm.Về  điều kiện được trợ cấp gạo, các đối tượng này phải có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền; thực hiện trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy, hằng năm được cấp có thẩm quyền nghiệm thu kết quả thực hiện.

UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy tổ chức cấp gạo cho từng hộ gia đình trong vùng dự án theo định kỳ tại mỗi thôn, bản nơi hộ gia đình cư trú. Tùy tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định số lần trợ cấp, mức trợ cấp từng lần, nhưng tối đa 3 tháng một lần. Căn cứ vào dự án đầu tư được duyệt, chủ đầu tư lập danh sách các hộ gia đình, số lượng gạo trợ cấp cho từng hộ gia đình trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. 

Khi các hộ gia đình bắt đầu thực hiện trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy thì mới tiến hành trợ cấp gạo. Việc trợ cấp gạo phải có chữ ký của đại diện hộ gia đình nhận trợ cấp gạo, xác nhận của chính quyền nơi cư trú và đại diện bên trợ cấp.  Trường hợp trợ cấp gạo bằng nguồn dự trữ quốc gia, UBND cấp tỉnh tổng hợp danh sách, số lượng gạo hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính; trên cơ sở đề nghị của địa phương và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ gạo cho địa phương. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương theo đúng quy định. 

Đọc thêm