Dự thảo Nghị định này quy định việc phát hiện, thu giữ, xử lý tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, tiền nghi hủy hoại trái pháp luật; giám định tiền giả, tiền nghi giả; quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam; và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Đối tượng áp dụng đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước, cơ quan chức năng của công an, quân đội, hải quan khi phát hiện tiền giả thực hiện lập biên bản, thu giữ; khi phát hiện tiền nghi giả thực hiện lập biên bản, tạm thu giữ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị giám định theo quy định và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để giám định.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước thông báo ngay đến công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các tổ chức, cá nhân thông báo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Về giám định tiền giả, tiền nghi giả: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Danh sách và địa chỉ liên hệ của các cơ quan, đơn vị thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm bố trí cán bộ có chuyên môn thực hiện giám định, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công giám định tiền giả, tiền nghi giả.
Thời gian giám định tối đa 5 ngày làm việc đối với 1 tờ/miếng tiền cần giám định kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc giám định của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước được thực hiện miễn phí.
Trong trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền giữa các cơ quan giám định thì kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.
Đối với việc thu nhận, tiêu hủy tiền giả thì ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, tiêu hủy tiền giả. Việc tiêu hủy tiền giả thực hiện theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Việc tiêu hủy tiền giả liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ việc thát hiện, tạm thu giữ, xác minh tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật. Theo đó, khi phát hiện dấu hiệu liên quan đến hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật, các tổ chức, cá nhân thông báo ngay cho cơ quan chức năng của công an, quân đội nơi gần nhất để xử lý.
Khi phát hiện tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại trong quá trình giao dịch tiền mặt, thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước lập biên bản, tạm thu giữ hiện vật và chuyển ngay đến cơ quan chức năng của công an, quân đội nơi gần nhất để xác minh, kết luận.
Cơ quan chức năng của công an, quân đội xác minh, kết luận đối với tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại.
Sau khi xác minh, cơ quan chức năng của công an, quân đội thông báo kết luận bằng văn bản cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường hợp kết luận là tiền hư hỏng, biến dạng do hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật, cơ quan chức năng của công an, quân đội xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết luận là tiền hư hỏng, biến dạng không phải do hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật, cơ quan chức năng của công an, quân đội hoàn trả cho tổ chức, cá nhân có tiền bị hư hỏng, biến dạng hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước để xử lý theo quy định về thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Đối với việc thu nhận, tiêu hủy tiền bị hủy hoại trái pháp luật, dự thảo nêu rõ, ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, tiêu hủy tiền bị hủy hoại trái pháp luật. Việc tiêu hủy tiền bị hủy hoại thực hiện theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Việc tiêu hủy tiền bị hủy hoại trái pháp luật liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật.