Đề xuất sửa đổi nhiều quy định tạo thuận lợi cho người dân khi yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp

(PLVN) -Sáng 10/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì buổi họp Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP).

Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết, qua hơn 11 năm thi hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành Luật LLTP như: xác định rõ địa vị pháp lý của Trung tâm LLTP quốc gia; hoạt động bảo vệ và lưu trữ cơ sở dữ liệu LLTP được thực hiện hiệu quả, chặt chẽ; công tác tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP có trước ngày 01/07/2010 để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, cấp Phiếu LLTP được thực hiện thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh hiện nay với yêu cầu cao hơn trong tổ chức thi hành Luật LLTP, với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Chính phủ điện tử và nhu cầu của xã hội về Phiếu LLTP ngày càng cao, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, trong hoạt động cấp Phiếu LLTP, quy định về tra cứu thông tin LLTP về án tích có trước ngày 01/07/2010 để cấp Phiếu LLTP chưa phù hợp với thực tiễn; cơ quan có liên quan không trả lời đề nghị tra cứu hoặc không còn lưu trữ thông tin LLTP; quy định về đối tượng được miễn giảm phí cung cấp thông tin LLTP chưa phù hợp quy định hiện hành; chưa có quy định về hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP điện tử.

Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng phát biểu tại buổi họp.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong trao đổi, cung cấp thông tin LLTP vẫn còn hạn chế, bất cập; quy định về việc phối hợp xác minh thông tin về điều kiện đương nhiên xoá án tích chưa phù hợp thực tiễn và quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Qua đó, ông Hùng đã nêu rõ một số nội dung lớn sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2010/NĐ-CP. Như: sửa đổi, bổ sung quy định tạo thuận lợi hơn cho người dân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu LLTP, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP, giảm thời hạn tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP; xác nhận tình trạng án tích trong trường hợp không rõ thông tin.

Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được miễn phí cung cấp thông tin LLTP; bổ sung quy định về hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP điện tử. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác LLTP; sửa đổi, bổ sung quy định về xác minh thông tin về điều kiện đương nhiên xoá án tích bảo đảm phù hợp quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đồng tình với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đề xuất giảm 1 ngày đối với quy định Sở Tư pháp tra cứu thông tin LLTP về án tích có trước ngày 01/07/2010, qua đó tăng tính chủ động của Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP, giảm bớt thời gian tra cứu, xác minh thông tin trên thực tế, đơn giản hoá giải quyết các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc trong việc tra cứu, xác minh thông tin án tích có trước ngày 01/07/2010 mà bị mất, thất lạc hay nhiều cơ quan không còn lưu giữ được thông tin nên trả lời chậm trễ hoặc không trả lời đề nghị của Sở Tư pháp, do đó Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị bổ sung quy định Sở Tư pháp xác nhận tình trạng án tích cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương.

Đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cũng nêu ý kiến, đối với tình trạng xoá án tích trong trường hợp không rõ hoặc không xác minh được thông tin, cần quy định rõ Sở Tư pháp phải xác nhận đối với tình trạng không nhận được thông tin như thế nào, định hướng rõ trong trường hợp nào thì Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP theo yêu cầu, trường hợp nào không cấp. Bên cạnh đó, đối với việc chậm trả lời hoặc không trả lời xác minh thông tin, cần quy định rõ là phải thúc giục qua thư điện tử hay điện thoại.

Ngoài ra, cơ chế phối hợp trong tra cứu, xác minh thông tin LLTP (Giải pháp “kiềng 3 chân”) là giải pháp có tính “thời điểm”, cần được quy định cụ thể để nâng cao trách nhiệm, vai trò của Trung tâm LLTP quốc gia, tạo quy trình cho Sở Tư pháp xác minh thông tin tại cơ quan Công an; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông trong công tác LLTP.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, LLTP có ý nghĩa lớn, là công cụ quan trọng giúp Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong cuộc sống hiện nay. Do đó, Thứ trưởng cơ bản đồng tình với 3 nhóm vấn đề lớn sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, đồng thời đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại diện các đơn vị tham dự buổi họp; cân nhắc thêm về cách trình bày, bổ sung, làm rõ thêm nội dung trong các nhóm vấn đề nói trên, đặc biệt là số hoá thông tin trao đổi giữa các cơ quan liên quan để lưu lại hồ sơ LLTP.

Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu rà soát quy trình về thủ tục hành chính; chuẩn hoá việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến LLTP cấp độ 4; hoàn thiện hồ sơ để sớm đăng công khai lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp…

Đọc thêm